Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp

Vào lúc 16 giờ 12 ngày  29-11 giờ địa phương (tức 22 giờ 12 ngày 29-11 giờ Việt Nam), tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, thủ đô của Vương quốc Ma-rốc, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là 1 trong 56 hồ sơ được xem xét trong kỳ họp này.

Gốm của người Chăm chủ yếu là đồ gia dụng, đồ dùng cúng lễ và đồ mỹ nghệ gồm chum (jek), nồi (gok), mâm (cambak), bình (bilaok)… Thay vì sử dụng bàn xoay, người phụ nữ Chăm di chuyển giật lùi quanh khối nguyên liệu để tạo hình sản phẩm. Gốm không tráng men và được phơi khô, nung ở ngoài trời bằng củi và rơm trong 7 đến 8 giờ ở nhiệt độ khoảng 800oC.

Nguyên liệu (đất sét, cát, nước, củi và rơm) được khai thác tại chỗ. Đất sét được tái sinh theo chu kỳ vài ba năm sau khi khai thác tại cánh đồng Hamu Tanu Halan, bên bờ sông Quao thuộc làng Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận) và mỏ đất làng Xuân Quang (cách làng Bình Đức, tỉnh Ninh Thuận, 3km về hướng Tây Bắc).

Dụng cụ làm gốm đơn giản do nghệ nhân tận dụng vật liệu tại chỗ như: vòng quơ, vòng cạo (bằng tre) để cạo mỏng thân gốm, và vỏ sò, vải cuộn thấm nước để chà láng thân gốm.

Việc làm nghề tạo cơ hội cho người phụ nữ Chăm giao lưu, tương tác trong lao động sản xuất, sinh hoạt xã hội, cũng như trong việc giáo dục nghề nghiệp cho con cái, nâng cao hơn nữa vai trò của họ trong xã hội.

Nghề làm gốm cũng giúp tăng thu nhập cho gia đình và bảo lưu thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của người Chăm ở Việt Nam. Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực bảo vệ, song nghề gốm của người Chăm vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một vì sự tác động của quá trình đô thị hóa đến khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu thô, sự chậm thích ứng với kinh tế thị trường và thế hệ trẻ ít quan tâm đến nghề.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp ảnh 1 Nghề làm gốm được xem là biểu hiện của sự sáng tạo cá nhân do người phụ nữ Chăm làm ra trên nền tảng tri thức được lưu truyền trong cộng đồng.  Ảnh tư liệu
Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đáp ứng những tiêu chí sau để ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp:

Di sản này liên quan đến nghề thủ công truyền thống làm gốm Chăm bằng tay và sử dụng các công cụ đơn giản. Chủ thể văn hóa và người thực hành chủ yếu là phụ nữ Chăm. Tri thức và kỹ năng làm nghề được trao truyền trong gia đình, dòng họ và cộng đồng. Việc trao truyền được thực hiện bằng biện pháp kể chuyện và thực hành hàng ngày. Di sản thu hút sự trao đổi và tương tác giữa những người thực hành nghề, các sinh hoạt xã hội và nâng cao vai trò của người phụ nữ Chăm trong xã hội hiện đại.

Di sản gắn liền với nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, trong đó có các nghi lễ liên quan đến ông tổ nghề làm gốm của người Chăm. Nghề làm gốm của người Chăm góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Đông Nam Á.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp ảnh 2 Tri thức và kỹ năng làm gốm được trao truyền cho các thế hệ trong gia đình thông qua thực hành.  Ảnh tư liệu
Hồ sơ cho biết hiện nay số lượng nghệ nhân, người thực hành và người học nghề tại các làng gốm còn ít. Dù có nhiều nỗ lực bảo vệ, di sản vẫn có nguy cơ mai một bởi nhiều mối đe dọa khác nhau như sự đô thị hóa ảnh hưởng đến không gian của các làng nghề thủ công truyền thống và ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu sẵn có, chi phí cho nguyên liệu tăng cao, nghệ nhân lành nghề tuổi cao, thế hệ trẻ không hứng thú với nghề, sản phẩm thiếu sự đa dạng và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Hồ sơ trình bày chi tiết kế hoạch bảo vệ di sản sẽ được thực hiện trong 4 năm (2023- 2026). Các mục tiêu của mỗi năm, các hoạt động cụ thể và kết quả dự kiến được trình bày rõ ràng. Các hoạt động bảo vệ được đề xuất nhằm giải quyết những thách thức bao gồm việc đào tạo, tư liệu hóa, giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn nguyên liệu và tạo sinh kế bền vững cho những người hành nghề. Hồ sơ đã trình bày một thời gian biểu và ngân sách chi tiết.

Cộng đồng, các nhóm và cá nhân có liên quan đã tham gia vào quá trình đề cử bằng cách cung cấp thông tin và đóng góp vào quá trình kiểm kê. Nhiều thành viên trong cộng đồng đã tham gia vào việc quay phim và chụp ảnh quá trình làm gốm, thờ cúng tổ nghề. Hơn nữa, 354 nghệ nhân đã đồng thuận về việc đề cử di sản này vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Hồ sơ cho biết, du khách muốn tham gia nghi lễ thờ tổ nghề cần phải tuân thủ một số quy tắc phong tục nhất định.

Di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và báo cáo kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên Hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa phi vật thể của Cục Di sản văn hóa. Các sở và viện nghiên cứu thực hiện việc kiểm kê ở cấp tỉnh, thành phố và cấp quốc gia. Hồ sơ cho biết việc kiểm kê di sản thu hút sự tham gia của cộng đồng ở làng Bàu Trúc và Bình Đức, phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, Trung tâm Nghiên cứu và trưng bày văn hóa Chăm (tỉnh Ninh Thuận) vào việc khảo sát, kiểm kê, quay phim và chụp ảnh. Kết quả kiểm kê được cập nhật hàng năm, trước 31- 10.

Như vậy, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh vào các danh sách của UNESCO.

Tin cùng chuyên mục