Nghệ sĩ tương trợ mùa dịch

Ảnh hưởng của dịch bệnh không loại trừ bất cứ nhóm đối tượng nào, kể cả những người làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là người đầu tiên trong giới làm phim có hành động sẻ chia.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

Quỹ Hỗ trợ nhà làm phim được thành lập nhằm giúp đỡ những thành viên trong đoàn phim đang khó khăn. Ban đầu, hình thức hỗ trợ là các voucher mua sắm ở siêu thị. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhóm quyết định chuyển khoản số tiền 1,5 triệu đồng cho mỗi cá nhân. Quỹ ưu tiên những người đang thực hiện giãn cách tại TPHCM như: người cao tuổi, lao động tự do, thành viên các tổ chuyên môn/kỹ thuật làm việc theo dự án, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Sau gần một tuần kêu gọi, số tiền quyên góp được lên đến hơn 800 triệu đồng, có thể giúp đỡ cho hơn 500 người, vượt xa dự định ban đầu là hỗ trợ cho khoảng 100 trường hợp. Tuy nhiên, quỹ cũng chỉ giúp đỡ được khoảng 50% so với hơn 1.100 thông tin đăng ký khó khăn cần hỗ trợ. Ngoài giúp đỡ trực tiếp, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng chia sẻ rộng rãi thông tin về việc đăng ký công việc thời vụ tại siêu thị Co.op Mart dành cho cộng đồng làm phim.

Tiếp sau đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, diễn viên Thu Trang quyết định hỗ trợ diễn viên trẻ đang khó khăn, đặc biệt là những người từng cộng tác với công ty của mình. Vũ đoàn Arabesque cũng chia sẻ thông tin hỗ trợ diễn viên múa, ưu tiên các khu vực có dịch nặng tại TPHCM. Trước đó, Hội Sân khấu TPHCM tổ chức trao tặng quà hỗ trợ nhân viên hậu đài, công nhân sân khấu, kỹ thuật viên… có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch.

Khác với những lần kêu gọi giúp đỡ rộng rãi từ cộng đồng, lần này hầu hết những người làm nghề muốn nêu cao tinh thần tự sẻ chia. Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, việc khán giả đã và sẽ đến rạp là điều khiến các nhà làm phim cảm thấy biết ơn. Do đó, lần hỗ trợ này, anh muốn “để những người làm phim như chúng tôi may mắn có được như hôm nay, có cơ hội chia sẻ với đồng nghiệp khó khăn”.

Trên thực tế, trong hàng chục ngàn nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đứng sau thành công của mỗi tác phẩm là đội ngũ có thể lên đến hàng trăm con người, trong đó rất nhiều người không được biết đến. Họ là lao động tay chân với mức lương thấp, thậm chí không được ký hợp đồng làm việc. Dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ, cũng như rất nhiều lao động ở các lĩnh vực khác. Nhiều người may mắn hơn chuyển sang bán hàng online, làm shipper, hay đủ các công việc vặt để duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, không ít trong số đó phải chịu cảnh thất nghiệp.

Việc các cộng đồng làm phim, múa, sân khấu… tương trợ nhau để vượt qua khó khăn là điều nên làm, trước khi có những hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước.

Tin cùng chuyên mục