Nghệ sĩ indie “âm thầm” hát

“Mình nghĩ thể loại âm nhạc mình đang làm là kể chuyện. Sẽ rất tuyệt nếu có thêm khán giả nhưng mình muốn để mọi việc đến một cách tự nhiên. Nếu bài mình viết tốt thì sẽ có người nghe”, Mademoiselle, một gương mặt quen thuộc với cộng đồng người yêu nhạc indie (độc lập) ở Việt Nam, nói ngắn gọn về thứ nhạc cô đang theo đuổi.

Những người hát bình yên

Giữa một rừng những ca sĩ ngôi sao dòng nhạc mainstream (chính thống), uderground (dòng chảy ngầm) hay indie, giữa tất cả những ánh đèn rực rỡ của sân khấu, cô gái Mademoiselle như người đứng trong góc khuất sân khấu. Khán giả có thể nghe thấy một thanh âm tự nhiên, ấm áp, đầy đặn, rất truyền cảm. Mademoiselle là gương mặt thân quen của các tụ điểm âm nhạc mà nhóm nghệ sĩ indie ở Hà Nội thường đến chơi nhạc cùng nhau.

Được biết đến với các ca khúc như Loanh quanh, Chàng trai mặc áo xanh, Did I make you happy?… cuối tháng 2, cô lại lặng lẽ cho ra album Những tiếng hát âm thầm. Mademoiselle xin nghỉ việc văn phòng và dành hết 6 tháng cho việc sản xuất album này cũng như viết bài hát mới. Có thể album không quá nhiều người biết tới nhưng với khán giả trung thành của cô, nó đáng giá.

“Mình chơi indie. Đây là bài mình viết. Mời các bạn nghe thử!”. Đó là lời giới thiệu giản dị của Trịnh Trung Kiên về Thế kỷ 21 buồn của anh vài năm trước. Cũng như Mademoiselle, Trung Kiên không là cái tên xa lạ với những người nghe nhạc indie, dù anh chưa bứt phá ra “ánh sáng” được như Đen Vâu, Lê Cát Trọng Lý, Ngọt hay Cá hồi hoang… Cho đến khi anh ký hợp đồng sáng tác độc quyền trong 1 năm cho Chi Pu mới đây, đám đông mới xôn xao “Trung Kiên là ai?”. Trung Kiên từng có những bài như Thế kỷ 21 buồn, Khi hôm nay thành ngày xưa, Em ăn sáng chưa?, Tôi biết em không biết… Con đường âm nhạc của Trung Kiên như nhiều nghệ sĩ indie khác, bắt đầu từ chuỗi ngày đi hát cover ở các quán cà phê, tập tành học chơi guitar, tập tành sáng tác.

Trên những kênh tiếp cận người nghe quen thuộc của nghệ sĩ indie Việt như YouTube, Soundcloud, Spotify… công chúng yêu nhạc dễ dàng tìm thấy chất nhạc rất riêng, sự tìm tòi thử nghiệm độc đáo hiếm thấy so với dòng nhạc thị trường. Nhạc inde tưởng là kén người nghe, nhưng lại có sức hút kỳ lạ.

Người ta có thể mê mẩn một Lê Cát Trọng Lý nhỏ bé ôm đàn hát nghêu ngao đâu đó trên trái đất này, một Nhạc của Trang giữa bao giai điệu mênh mông, một Phạm Toàn Thắng không bao giờ chịu đóng khung, một Hakoota Dũng Hà phía sau những con chữ chứa đựng nỗi buồn... Những cái tên ấy cùng Vũ, Ngọt, Cá hồi hoang, Hải sâm, Da Lab… đã dần đưa nhạc indie hòa chung vào thị trường âm nhạc đại chúng.

Tạo giá trị mới

“Âm nhạc của họ là thế giới đa thanh đa sắc, không bị đóng khung vào một khuôn mẫu nhất định nào. Họ là những người rất cá tính, cực kỳ sáng tạo và dám đi ngược số đông để tìm tòi những giá trị mới mẻ. Một khi có sự sáng tạo là đã quá tuyệt vời. Tôi tin, sau này các bạn sẽ không chỉ dừng lại ở indie. Khi có chất riêng, sẽ nhiều người biết đến”, nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc Khắc Hưng nói về các nghệ sĩ indie.

Rõ ràng, luôn có một lớp nghệ sĩ indie dù ít xuất hiện trên các sân khấu âm nhạc lớn, thậm chí không cần lộ mặt nhưng họ vẫn có một lượng người yêu mến. Độc lập trong sáng tác và sản xuất nhạc, nghệ sĩ indie tự do thể hiện cá tính, câu chuyện riêng của mình, luôn khát khao tạo nên những giá trị mới. Có lẽ, Lê Cát Trọng Lý là nghệ sĩ indie gây dấu ấn mạnh mẽ nhất.

Nghệ sĩ indie “âm thầm” hát ảnh 1 Lê Cát Trọng Lý mang tâm hồn nhạc Việt ra quốc tế. Ảnh: FBNS

Ngay từ khi bắt đầu, cô đã định vị được một cái tôi duy nhất, độc đáo. Nhiều năm qua, cô miệt mài tìm cảm hứng trong dòng chảy âm nhạc địa phương của những miền đất xa xôi, tìm kiếm sự giao thoa giữa cổ điển và âm nhạc dân ca. MV đầu tay Tám chữ có của Lê Cát Trọng Lý được thực hiện trên những thảo nguyên châu Phi hoang dã, kết hợp với Kenyan Boys Choir, một dàn đồng ca ở Nairobi.

Rồi với MV Liệu có thương nhau mãi, bên những túp lều, vách nhà tồi tàn, những bãi rác và bao trẻ em đường phố ở khu ổ chuột Kibera là hình ảnh Lê Cát Trọng Lý ôm cây đàn ngồi hát du ca. Liệu có thương nhau mãi cùng 9 ca khúc khác được cô sáng tác và trình diễn cùng các nghệ sĩ ở Mông Cổ, Bhutan, Kenya và các nước châu Phi nằm trong dự án Dreamers concert world music 4 năm qua. Mang tâm hồn nhạc Việt ra thế giới và dùng âm nhạc thế giới làm giàu cho nhạc Việt, là cách Lê Cát Trọng Lý đang làm.

Nghệ sĩ indie dạt dào những giá trị mới, thậm chí tư duy âm nhạc của họ tiệm cận với âm nhạc quốc tế. Thứ âm nhạc dung dị, đầy cảm xúc và ít bị tác động bởi những yếu tố thị trường khiến họ trở nên đặc biệt, không trộn lẫn. Nhiều nghệ sĩ dòng nhạc thị trường, các thương hiệu, nhãn hàng tìm đến cộng tác với họ để thực hiện những sản phẩm mới, tạo thương hiệu. Đen Vâu, Da LAB, Trung Kiên… là những ví dụ. Mỗi ngày, nghệ sĩ indie vẫn sáng tác và hát với điểm nhấn riêng, để khẳng định mình trong đời sống âm nhạc chuyên nghiệp và để có thêm nhiều khán giả đón nhận.

Tin cùng chuyên mục