Nghệ sĩ Bạch Long: Khát khao truyền nghề

Nghệ sĩ Bạch Long bắt đầu sự nghiệp năm 10 tuổi, khi bước chân lên sân khấu cải lương Khánh Hồng - Minh Tơ. Là một nghệ sĩ tài danh, có thể đảm nhiệm nhiều vai trò tác giả viết tuồng, đạo diễn sân khấu, nghệ sĩ biểu diễn đa dạng các vai (hài, bi, lão, độc…), nhưng có lẽ, trách nhiệm người thầy truyền nghề cho thế hệ tiếp nối nghệ thuật sân khấu truyền thống là một “vai diễn cuộc đời” luôn khiến anh đau đáu nhất.
Nghệ sĩ Bạch Long
Nghệ sĩ Bạch Long

PHÓNG VIÊN: Hơn 50 năm theo nghề, sống và gắn bó với sân khấu cải lương, anh tâm tư điều gì nhất?

Nghệ sĩ BẠCH LONG: Tôi buồn vì cải lương đã qua thời hoàng kim, thị trường tổ chức biểu diễn không còn như trước. Nhưng, không vì vậy mà tôi nản chí. Tôi luôn nhìn cuộc sống này đơn giản, lạc quan, yêu đời để tâm nhẹ nhàng. Với tôi, quan trọng là mình đóng góp gì được cho nghề, cho xã hội thì cố gắng làm hết sức mình. 

Năm 1990, đoàn Đồng ấu Bạch Long ra đời, hoạt động mạnh mẽ. Tôi có nguồn kinh tế dồi dào nhờ quay video nên đổ hết vào đầu tư sân khấu. Thời điểm hoàng kim của đoàn, có khoảng 30 em là con cháu nghệ sĩ và một số em không phải con nhà nòi nhưng có khiếu cùng tham gia hoạt động như Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Vũ Luân, Linh Tý, Lê Thanh Thảo, Bình Tinh, Chinh Nhân, Xuân Trúc, Tâm Tâm, Thy Trang, Hiền Linh, Chấn Cường, Gia Bảo… Đến khi hết vốn, không thể cầm cự, tôi đành rã đoàn hát. 

Sau đó, tôi nhận lời mời đào tạo các em thiếu nhi ở Nhà Thiếu nhi quận 1, Trung tâm Văn hóa quận Tân Bình (TPHCM)... Tôi nghĩ, không có kinh phí để tổ chức biểu diễn được thì tôi tập trung truyền nghề cho lớp trẻ. Ở vai trò người truyền nghề, mình là người đi trước, học được cái gì hay thì truyền lại hết với hy vọng các em học được nghề từ tôi, sau này theo nghề và có thể truyền dạy lại cho các em trẻ hơn. 

Có phải việc dành quá nhiều tâm huyết cho lớp trẻ nên anh vẫn “lẻ bóng” trong cuộc sống cá nhân?

Tôi không lập gia đình, vì nghĩ mình sống một mình đã bấp bênh, không có khả năng lo cho vợ con đầy đủ, tốt nhất nên ở vậy thôi. Giờ tôi cũng có tuổi rồi nên cố gắng khi còn sức khỏe, có thể truyền dạy nghề cho lớp trẻ thì truyền dạy cho hết, không giấu giếm. Tôi tâm niệm, mình làm nghề, truyền nghề, góp sức bảo tồn loại hình nghệ thuật cải lương để có lớp kế thừa sau này, từ những người trẻ kế thừa làm nghề, sân khấu sẽ có đội ngũ khán giả kế thừa. Tâm tư này theo đuổi tôi từ trước khi tôi bắt tay thành lập đoàn Đồng Ấu Bạch Long, vì tôi luôn mong sân khấu tuồng cổ có thêm thật nhiều khán giả trẻ biết, hiểu và yêu mến. 

Trong đào tạo truyền nghề, anh chú trọng điều gì?

Tôi quan điểm, dạy nghề cho các em phải cẩn thận, tỉ mỉ, đúng kỹ thuật. Các em trẻ đang theo đuổi nghề được học đầy đủ kiến thức, kỹ thuật nghề của ông cha để lại để không bị mất gốc. Hiện nay, có nhiều em hát cải lương tuồng cổ nhưng lại hát và diễn sai các kỹ thuật, quy chuẩn của nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Khi các em hát sai, diễn sai nhưng không có ai chỉ dạy và điều chỉnh giúp thì những cái sai này có thể tạo thành hiệu ứng hiểu sai và diễn sai về nghệ thuật tuồng cổ nhiều hơn về sau. Nghệ thuật cải lương luôn có tính cải cách để phù hợp xu thế xã hội và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Tuy nhiên, bên cạnh cái mới, nghệ sĩ vẫn phải gìn giữ tốt nhất giá trị nguyên bản của các tác phẩm sân khấu truyền thống. 

Riêng với thế hệ nghệ sĩ trẻ, những bạn đang trực tiếp làm nghề, tôi mong các em sẽ nhiệt huyết, cống hiến cho cải lương nhiều hơn, đừng sống bằng hào quang. Làm nghề là phải tâm huyết với nghề, hết lòng hết sức, chịu khó rèn giũa tài năng bằng sự chăm chỉ, tỉ mỉ. Có như vậy các em mới theo nghề và phát triển bền vững được.

Đoàn cải lương Đồng ấu Bạch Long trở lại với diện mạo mới, anh đã bắt tay thực hiện dự án này như thế nào?

Dù hoạt động chủ yếu bên sân khấu kịch nói, thi thoảng đóng phim, tham gia làm giám khảo gameshow..., nhưng từ tận đáy lòng, tôi vẫn luôn hướng về sân khấu cải lương. Vậy nên khi nhận được lời mời hợp tác của đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn cùng xây dựng các chương trình biểu diễn cải lương thiếu nhi tại sân khấu Nhà hát Nón Lá, Cung Văn hóa Lao động TPHCM, tôi rất vui vì được làm công việc “cha truyền con nối”. Tôi kỳ vọng, đây sẽ là sân khấu hoạt động kiểu chương trình Ngày xửa ngày xưa phiên bản cải lương dành cho thiếu nhi, hội đủ sức hấp dẫn cuốn hút qua những tác phẩm sân khấu vui tươi, ý nghĩa. 

Sân khấu ra mắt vào dịp Trung thu 2022, sau đó biểu diễn vào sáng chủ nhật, cách tuần. Cũng tại đây, tôi sẽ dựng thêm chương trình Ngọc sáng trời Nam biểu diễn các trích đoạn cải lương lịch sử để có thể giới thiệu, biểu diễn phục vụ khán giả học sinh, giúp các em dễ hình dung và cảm nhận về những nhân vật anh hùng dân tộc. Dự kiến, chương trình đầu tiên sẽ diễn ra vào tối 20-11, sau đó các trích đoạn luân phiên biểu diễn trong chương trình sân khấu học đường của sân khấu Idecaf.

Anh mong mỏi và kỳ vọng điều gì cho sự trở lại đặc biệt này?

Tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến, truyền nghề cho lớp trẻ. Để tạo sức cuốn hút hấp dẫn khán giả nhỏ tuổi, khi dựng lại các vở cải lương thiếu nhi, tôi sẽ chỉnh sửa, chắt lọc, thêm vào những tình tiết, mảng miếng thú vị, phù hợp với cuộc sống và suy nghĩ của trẻ em thời nay. Về âm nhạc, hiện nay rất khó kiếm ban nhạc cổ nên sân khấu buộc phải sử dụng nhạc thu sẵn. Tôi mong khán giả trẻ yêu thích chương trình Ngày xửa ngày xưa, thích chú Bạch Long, thì thử đến xem chương trình của Đồng ấu Bạch Long một lần cho biết.

Tôi còn có một mong muốn sẽ tìm kiếm những em mồ côi, cơ nhỡ, khiếm thị, có năng khiếu về ca, diễn cải lương, để đào tạo cho các em có thể lên sân khấu biểu diễn.

Tin cùng chuyên mục