Nghề nông có giá ở Bashkortostan

Cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Bashkortostan thuộc Nga đã hình thành hơn 30 năm nay gồm nhiều thành phần, từ các cựu sinh viên, lao động theo thỏa thuận nhà nước, đến cả nhiều người từ các thành phố khác của Liên bang Nga tìm về. Đến nay, cộng đồng đã đón thế hệ thứ hai, thứ ba.

Theo ông Trần Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Bashkortostan, cộng đồng người Việt có khoảng 1.500 người sinh sống, chủ yếu bằng hoạt động buôn bán, kinh doanh tại trung tâm thương mại ở thành phố Upha, cũng chính là thủ đô của nước cộng hòa này. Phần lớn thời gian qua, cộng đồng người Việt Nam ở thủ đô Upha được đánh giá hội nhập tốt, làm ăn ổn định và thịnh vượng nhất trên toàn Liên bang Nga. Đến nay, không chỉ người Việt Nam gây ấn tượng vì những thành tựu trong kinh doanh, mà Bashkortostan cũng đang đẩy mạnh đường lối tìm kiếm, phát triển hợp tác đầu tư với nước ngoài mà Việt Nam là một địa chỉ lớn.

Mới đây, nhân dịp dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Bashkortostan thuộc Nga, đại diện Ban lễ tân của Tổng thống Bashkortostan Dmitry Tyrykin khẳng định, Bashkortostan đặt mục tiêu vươn lên hàng đầu Liên bang Nga về hợp tác với Việt Nam, phát triển thế mạnh của hai bên là ngành dầu mỏ. Hiện Việt Nam đã cử sinh viên sang học tập tại Trường Đại học quốc gia Công nghệ dầu Upha, còn Bashkortostan cũng cung cấp các thiết bị trong ngành khai thác dầu như mũi khoan, bơm... Đại học Quốc gia Công nghệ dầu Upha đã chính thức khánh thành phòng truyền thống Việt Nam, nơi đại diện cho văn hóa Việt Nam tại nước cộng hòa và là biểu tượng cho điểm sáng hợp tác giữa hai nước.

Đoàn đại biểu Đại sứ quán Việt Nam tại Nga ông Trần Ngọc Tuấn (thứ hai từ phải sang) - đại diện cộng đồng người Việt tại Upha - là khách mời của Tổng thống tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập
nước Cộng hòa Bashkortostan (Nga) vừa qua
 Tuy nhiên, những năm gần đây, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp rất rộng mở vì tiềm năng đất đai lớn và nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm nông nghiệp. Chính sách của chính quyền nước sở tại khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho bà con phát triển sản xuất, đặc biệt là về nông nghiệp, như chăn nuôi bò sữa, trồng các loại rau, củ, quả vì họ đang có nhu cầu cao và mảng này đang hầu như bị bỏ trống.


Đối với cộng đồng người Việt, ông Trần Ngọc Tuấn được xem như cánh chim đầu đàn của cộng đồng vì ông là một trong những người Việt Nam đầu tiên đến sinh sống ở  Bashkortostan. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên đầu tư vào sản xuất nông nghiệp do nhìn thấy cơ hội ở đó. Sau một thời gian đầu tư thành công trong các trung tâm thương mại và sản xuất công nghiệp, ông Tuấn quyết định canh tác nông nghiệp. Ông bắt đầu thành lập một trang trại 700ha ở Bashkortostan 3 năm trước, chủ yếu trồng lúa mì, chăn nuôi bò, cừu và ngựa, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Nông sản của trang trại này được chứng nhận bởi Ủy ban Nhà nước Cộng hòa Bashkortostan về Bảo vệ thương mại và người tiêu dùng. Trang trại có rất nhiều đơn đặt hàng từ cộng đồng người Việt trên khắp nước Nga và đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người Việt Nam. Nhiều người Việt được ông Tuấn dạy làm nông, từ gieo hạt, tưới tiêu đến cho gia súc ăn. Ông Tuấn cho biết, kinh doanh nông nghiệp không chỉ để tạo thu nhập cho riêng mình mà còn giúp đỡ những người Việt Nam khác, đồng thời cho thấy sự đóng góp của cộng đồng người Việt cho Bashkortostan thông qua việc đánh thức một vùng đất bị bỏ hoang. Ông mong mỏi bà con làm ăn chăm chỉ, liên kết lại với nhau để có thể đầu tư các dự án sản xuất.

Tin cùng chuyên mục