Nghề gia sư giữa thời công nghệ số

Vốn là nghề “ruột” của sinh viên nhiều thế hệ, song nghề gia sư (dạy kèm tại nhà) cũng có những thăng trầm, phải cạnh tranh với nhiều hình thức dạy và học trong thời đại công nghệ số ngày nay. Tuy vậy, nếu thức thời, người trẻ vẫn có thể sống được với nghề gia sư.
Gia sư áo xanh - một hoạt động tình nguyện nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh và học sinh TPHCM. Ảnh: TIỂU TÂN
Gia sư áo xanh - một hoạt động tình nguyện nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh và học sinh TPHCM. Ảnh: TIỂU TÂN

Còn đất sống

Khoảng hơn 10 năm trước, nhiều người trẻ sống khỏe với nghề gia sư, nhưng cũng có một thời gian dài chật vật cạnh tranh với các trung tâm ôn luyện và hàng loạt điểm dạy thêm được các thầy, cô giáo mở ra. Thế rồi, sau hàng loạt quy định cấm dạy thêm, học thêm được ban hành, nghề gia sư “hot” trở lại, song đặc thù một thầy kèm một trò của nghề này cũng dần ít đi. Thay vào đó, học sinh có xu hướng học nhóm, một thầy kèm hai hoặc nhóm vài học sinh. 

Nguyễn Dương Hà Anh (SV năm 3 Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM) hiện đang dạy kèm môn Toán và Lý cho 2 nhóm học sinh lớp 10, 11 cho biết, việc học gia sư theo nhóm nhỏ vừa tiết kiệm học phí, lại có cơ hội để học sinh đua nhau học tập. Nhóm từ 2-3 học sinh thì gia sư vẫn đủ thời gian theo sát từng bạn nên hiệu quả cao hơn. Trong khi đó, nhiều phụ huynh cũng chọn cho con học nhóm để tránh được việc con mình hoặc tỏ thái độ hoặc có tình cảm riêng với gia sư.

Tuy nhiên, nghề gia sư bao năm nay vẫn có chung áp lực là sự tiến bộ của học sinh. Nếu ở các trung tâm hoặc lớp học thêm đông đúc, phụ huynh chấp nhận con có tiến bộ hay không phần lớn do chính nỗ lực của trẻ. Riêng với nghề gia sư, sự nỗ lực ấy chỉ là phụ, còn kết quả học tập phản chiếu năng lực của người dạy kèm. “Nếu học sinh không tiến bộ, coi như mình thất bại”, Phạm Thị Hằng, 23 tuổi (cử nhân Toán - Tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM) khẳng định. Hằng cho biết, cũng vì lý do đó mà hầu hết những người làm nghề gia sư khó ổn định ở một lớp.

“Thường nếu 3 tháng học sinh không tiến bộ, một là phụ huynh ngưng thỏa thuận để tìm gia sư khác, hai là chúng tôi lấy lý do tự rút lui rồi tìm lớp khác. Bởi vậy, nếu không có năng lực thì nghề này chẳng khác gì các công việc thời vụ, có khi có lớp dạy nhưng cũng có khi thất nghiệp vài tháng”, Hằng chia sẻ.

Nỗ lực cạnh tranh 

Hiện việc dạy thêm vẫn bị hạn chế, song ở thời công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, học sinh lại có nhiều sự lựa chọn cho việc ôn luyện. Tiêu biểu nhất là hình thức ôn luyện trực tuyến mà nhiều kênh truyền hình mở ra, thậm chí là các trung tâm hoặc giáo viên tự tổ chức. Rõ ràng, hình thức học này lợi nhiều đường, bởi học sinh vừa có kiến thức, vừa không mất thời gian di chuyển, ngồi tại nhà cũng có thể học được. Thế nhưng, để học trực tuyến thì yếu tố cần đầu tiên là sự tự giác của học sinh. Với học sinh không có sự tự giác cao thì hình thức này gần như… công cốc.

 Bên cạnh đó, điểm trừ của học trực tuyến là giáo viên không theo sát được học sinh, sự tương tác giữa thầy - trò bị hạn chế, dẫn đến những thắc mắc của học sinh ít có cơ hội được giải đáp. Còn ở các trung tâm học thêm thì phụ huynh mất công đưa rước. Chính những yếu tố đó nên nghề gia sư vẫn còn được trọng dụng. Song, nếu không tự nâng chất thì không đủ sức cạnh tranh. 

Nguyễn Văn Mạnh, 27 tuổi (cựu SV Trường ĐH Kinh tế TPHCM) cho biết, dù đi làm văn phòng nhưng thu nhập chính của anh vẫn là nghề gia sư. Để gắn bó được với nghề, ngoài nắm vững kiến thức phổ thông, Mạnh còn phải đọc rất nhiều sách, báo và xem nhiều chương trình khoa học, phim ảnh. “Tôi đã trang trải chi phí sinh hoạt suốt 4 năm đại học bằng nghề gia sư, tính đến nay đã có thâm niên làm nghề gần 10 năm. Nếu không tự trang bị kiến thức thì có thể nói, đây là nghề đào thải rất cao”, Mạnh chia sẻ.

Phạm Đình Tiến, 25 tuổi (cử nhân Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) cũng cho rằng, kiến thức phổ thông là kiến thức nền, hầu như thầy cô nào cũng phải có. Bởi vậy, gia sư muốn sống tốt, sống khỏe với nghề thì phải có “đặc sản” riêng.

“Cùng làm nghề dạy học nhưng với gia sư, không phải tham gia các cuộc họp hành, chương trình ngoài chuyên môn nên có thời gian để trau dồi, nâng cao kiến thức và dồn tâm cho nghề. Nếu không biết tận dụng thì cũng khó sống được với công việc gia sư”, Đình Tiến khẳng định.

Tin cùng chuyên mục