Nghe để chữa lành

Trong xu hướng bùng nổ các hình thức giải trí đa phương tiện, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa - nghệ thuật ngày càng cao của khán giả, nhiều bạn trẻ chọn cách chia sẻ và lắng nghe chậm rãi từ những podcast âm thanh, đơn giản như một cách kể chuyện mình và lắng nghe chuyện người, để cùng vượt qua những ngày không vui trong cuộc sống.

Mỗi tập từ kênh podcast “Chuyện mình hôm nay” chia sẻ từ kinh nghiệm phỏng vấn xin việc đến kinh nghiệm làm việc nhóm, hoặc đơn thuần là phút tán gẫu nơi công sở… nhưng thu hút hơn 5.000 lượt theo dõi.

Phạm Khánh Lam (27 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận 11) chia sẻ: “Bạn chủ kênh podcast này chắc cũng thuộc thế hệ 9X như tôi. Ban đầu, tôi nghe vì các kinh nghiệm bạn chia sẻ khi đi phỏng vấn xin việc rất hay. Qua hai lần nhảy việc, những kinh nghiệm bạn chỉ ra gần như tôi đều gặp qua. Đến bây giờ, chủ yếu bạn kể chuyện một ngày làm việc, một lời động viên dành cho người nghe mỗi cuối tháng khi phải “chạy” báo cáo, tổng kết”.

Trên các nền tảng giải trí trực tuyến, ngoài bảng xếp hạng những bài hát mới nhất hoặc danh sách các ca khúc được nghe nhiều trong tuần, mục podcast cũng bắt đầu thu hút lượt quan tâm của nhiều bạn trẻ. Không hình ảnh lung linh như những video ca nhạc, podcast tập trung vào âm thanh và nội dung chia sẻ.

Những tâm tình thế hệ gen Z; chia sẻ trải nghiệm xin việc, phỏng vấn; hay đọc những cuốn sách hay về văn học, kỹ năng sống… đều dễ dàng tìm thấy trên những kênh podcast chia sẻ, kể cả những thất bại hay sai lầm đã từng vấp phải trong cuộc sống, công việc cũng được chủ nhân các kênh này chia sẻ một cách không ngần ngại.

Thư Trần (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, chủ kênh podcast “Chuyện mình nắng - mưa”) bày tỏ: “Tôi tập tành làm podcast gần 1 năm nay thôi. Lúc đầu chỉ là kể chuyện mình, vì bản thân lúc đó vừa mới nghỉ việc, rồi thành phố phải giãn cách xã hội để chống dịch, tìm việc mới khá khó khăn, nên cuộc sống mình lúc đó áp lực, mong muốn kể ra để lòng mình được nhẹ nhàng hơn. Được các bạn lắng nghe, và chia sẻ ngược lại những câu chuyện của các bạn qua tin nhắn, mình bắt đầu làm nhiều tập hơn trong một tuần. Mình nghĩ, lắng nghe và không phán xét cũng là cách để tuổi trẻ chúng mình vượt qua áp lực trong cuộc sống dễ dàng hơn”.

Áp lực trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi, và ở ngưỡng cửa cuộc đời, điều này như một phần để mỗi người trẻ trải nghiệm và trưởng thành. Chọn cách lắng nghe chuyện người và giãi bày những tâm tư lòng mình qua các podcast chia sẻ cũng là một cách để bạn trẻ cùng đồng hành, “chữa lành” những tổn thương vô hình cho nhau trong chặng đường thanh xuân.

Tin cùng chuyên mục