Diễn viên Hồng Ánh - Hoàng Phúc - Xuân Hòa:

Nghề báo khó hơn nghề phim

- Diễn viên Hồng Ánh:
Nghề báo khó hơn nghề phim

Bộ phim “Nghề báo” chiếu trên màn ảnh nhỏ vừa kết thúc với nhiều ý kiến khen, chê khác nhau của người trong, ngoài giới. Nhìn lại, các “nhà báo-diễn viên” cũng bộc bạch những góc cảm nhận riêng về thế giới nhân vật trong phim.

- Phóng viên: Mỗi nhân vật mỗi tính cách, qua vai diễn của mình, các anh chị nhận xét “về họ” thế nào?

Nghề báo khó hơn nghề phim ảnh 1
Diễn viên Hoàng Phúc và diễn viên Hồng Ánh

- Diễn viên Hồng Ánh: Tôi đã đóng hết mình với nhân vật của mình với cách cảm riêng về tính cách nhân vật Thúy Bình. So với các vai diễn trước, đây là nhân vật phụ nữ trí thức hiện đại sống trong môi trường xã hội tương đối phức tạp nhưng cũng là người phụ nữ có cá tính riêng. Với nghề cầm bút, Thúy Bình cũng khao khát làm những điều tốt đẹp theo đúng chức năng, lương tâm nghề nghiệp.

Tôi nghĩ có thể trong phim có những chi tiết này, chi tiết nọ chưa thỏa đáng, riêng tôi, tôi thực sự đồng cảm với thế giới nội tâm ở người phụ nữ. Xem ra, trong gia đình và xã hội, người phụ nữ làm báo cũng dễ rơi vào thế “độc hành”, họ cần san sẻ, tiếp sức, nhưng có khi họ quá đơn độc khi người gần gũi nhất là đức ông chồng vẫn là kẻ đứng ngoài cuộc. Trong phim, Đức Thịnh vào vai Tuân, chồng của Thúy Bình cũng thể hiện một phần sự phức tạp trong ngóc ngách tình cảm của hai vợ chồng là vậy…

- Diễn viên Xuân Hòa:
Trong mắt em, Linh Sương là một cô gái có cá tính mạnh, quan niệm yêu và sống có vẻ “hiện đại”. Tác nghiệp nghề báo của cô đôi khi bồng bột, nhưng khá năng động. Nhược điểm của cô gái là hơi… tò mò (nhưng, có khi đây lại là một “tố chất” của nghề nghiệp?) Nhìn chung, tính cách nhân vật khá hấp dẫn, mạnh mẽ; có điều, nó khác với tính cách rụt rè của một Xuân Hòa ngoài đời thật.

Nghề báo rất đặc thù, đóng rất khó, trước khi nhận vai Linh Sương, Xuân Hòa lo lắm. Điều may mắn dành cho Xuân Hòa là vai Linh Sương rất gần gũi với lứa tuổi của thế hệ của mình. Nhưng, ở kết phim, Xuân Hòa cảm thấy còn nhiều chuyện chưa giải quyết rõ ràng…

- Diễn viên Hoàng Phúc
: Tính ra đây cũng là lần thứ hai Hoàng Phúc làm “nhà báo”. Trong phim Bẫy tình của đạo diễn Lê Cung Bắc, Hoàng Phúc đã được giao vai một nhà báo, vai chính diện. Những năm 30-45 các nhà báo đi thực tế tương đối dễ dàng, thời này phương tiện thông tin điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số chưa xuất hiện, người ta sống cũng đỡ phức tạp hơn bây giờ.

Trong Nghề báo, Quang Sinh là một nhà báo bị tha hóa, gian manh, xảo quyệt được che đậy qua cái bề ngoài rất nho nhã. Hoàng Phúc đã bỏ nhiều thời gian nghiên cứu kỹ nhân vật phản diện Quang Sinh đầy “sắc màu” thú vị này. Vai này cần diễn thật tinh tế để thể hiện cái ác “ngầm”. Trước đây, Hoàng Phúc đã từng đóng vai phản diện trong phim Chuyện ở quê tôi. Gã cường hào ác bá Hai Mạnh trong phim bộc lộ cái ác ra mặt, còn vai phản diện nhà báo Quang Sinh ở đây thâm hiểm, mưu mẹo và tội lỗi cũng rất ghê nhưng giấu mặt, kín đáo, mối quan hệ chằng chịt… Nhưng nhìn riêng, Hoàng Phúc cũng cho rằng chỉ là một “nhà báo nhỏ” thôi mà Quang Sinh thao túng được nhiều người thì thế lực hơi… to thật!

- Các anh chị nhắc đến nghề báo và nghề phim, chắc có sự so sánh sau kinh nghiệm đóng phim “Nghề báo”?

- Diễn viên Hồng Ánh: Nghề báo và nghề diễn viên đều giống nhau ở điểm đều có sức tác động đến công chúng, dư luận một cách trực tiếp. Một bài báo viết ra nêu vấn đề nổi cộm trong xã hội, sức tác động của báo chí sẽ lan tỏa ngay đến nhiều ngành, nhiều giới. Nhà báo cẩn trọng từ câu, chữ trong bài viết, vấn đề viết, áp lực thời gian, áp lực cạnh tranh thông tin… Diễn viên cũng vậy, cũng có khá nhiều áp lực về nghề nghiệp, thời gian hoạt động, đi đứng, nghỉ ngơi v.v…

- Diễn viên Hoàng Phúc:
Nghề báo là nghề dễ gặp nguy hiểm. Tuy giống với nghề diễn viên ở chỗ giờ giấc hoạt động rất bất ổn so với các nghề khác. Nghề báo khó hơn nghề phim. Với thiên chức quan trọng, nhà báo phải giữ được cái tâm của người cầm bút, phải đổ nhiều công sức, cẩn trọng trong từng câu, từng từ, khá đau đầu, nhưng nếu chỉ sai sót một chút cũng đủ bút sa gà chết ! Nhưng, nghề phim thì có lúc buồn hơn khi ngẫm câu “thầy giáo già, con hát trẻ”!

Nghề báo khó hơn nghề phim ảnh 2
Diễn viên Xuân Hòa.

- Diễn viên Xuân Hòa: Vâng, Nghề báo đã cho Xuân Hòa cơ hội đóng phim nhưng thú thật, về nghề phim, điều mà cả Xuân Hòa và cả lớp gần 40 diễn viên trẻ khóa 8 vừa ra trường rất lo lắng, không biết đi về đâu. Con đường đóng phim còn gian nan và mờ mịt lắm. Ngoài các hãng phim nhà nước còn có hơn 30 hãng phim tư nhân ra đời nhưng chuyện làm phim thì chỉ thấy lác đác đếm được trên đầu ngón tay!

- Ở góc độ diễn viên, theo anh chị, loại phim đề tài đương đại chống tiêu cực có thu hút khán giả ?

- Diễn viên Hồng Ánh:
Ở Việt Nam, đề tài này quá ít, có lẽ nó khác và chậm hơn so với sự phản ánh nhanh của báo chí vì đặc điểm khái quát của nghệ thuật.

Về phần này, phim Trung Quốc có vẻ mạnh mẽ khi đưa ra nhiều bộ phim chống tiêu cực trên màn ảnh lớn, màn ảnh nhỏ. Ở Việt Nam đề tài chống tiêu cực còn ít, có lẽ một phần các nhà làm phim cũng còn ngại... Nhưng, theo Hồng Aùnh dạng phim này làm hay, quảng bá rộng sẽ thu hút khán giả không ít.

- Diễn viên Hoàng Phúc:
Tôi cũng nghĩ như vậy. Đề tài đương đại rất cần thiết bởi khán giả cũng quá nhàm chán dạng phim tâm lý tình cảm như kiểu phim Hàn Quốc như hiện nay. Điện ảnh truyền hình Trung Quốc có vẻ mặn mà và mạnh tay hơn mình trong việc thể hiện dạng phim chống tiêu cực. Do đó tính hấp dẫn của nó khá cao.

Nếu điện ảnh, truyền hình Việt Nam phát triển được mảng đề tài này chắc chắn sẽ giúp cho diễn viên thêm nhiều đất diễn. Nội dung, phim Việt Nam sẽ đa dạng hơn khi tác giả kịch bản dám đặt ra những vấn đề mà mỗi sáng giở tờ báo ra, người dân đều quan tâm, đó là những thông tin tiêu cực được phanh phui. Đã đến lúc chúng ta nhìn thẳng vào sự thật và đấu tranh để bảo vệ cái tốt, cái đẹp cho xã hội.

- Xin cảm ơn các anh chị. 

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục