Ngày về của “Đoàn quân nhà Phật”

Ngày 26-9-2019 là thời điểm tròn 30 năm bộ đội tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia. Ký ức về cuộc rút quân đặc biệt của những người lính khi đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đất nước ở biên giới phía Tây Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia đến nay vẫn còn hiện hữu.
Nhân dân thủ đô Phnôm Pênh tiễn quân tình nguyện Việt Nam về nước. Ảnh: TTXVN
Nhân dân thủ đô Phnôm Pênh tiễn quân tình nguyện Việt Nam về nước. Ảnh: TTXVN

 Đó không chỉ là một chiến dịch quân sự đơn thuần với những cái ôm rất chặt chia tay quân tình nguyện Việt Nam, hay tình cảm lưu luyến của kẻ ở người về giống như mọi người vẫn từng thấy qua phim ảnh; mà ẩn sau đó là vô vàn các vấn đề khó khăn phải đối mặt như nhân lực, việc làm, an sinh xã hội…

Kế hoạch rút quân được trù liệu từ rất sớm

Thực tế không phải tới năm 1989 Việt Nam mới tính đến việc rút quân khỏi Campuchia mà việc này được dự liệu ngay từ những ngày đầu khi chúng ta buộc phải đưa quân sang nước bạn. Khi ấy mục tiêu đặt ra rất rõ. Thứ nhất, phải xóa bỏ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ cứu nhân dân Campuchia và bảo vệ tổ quốc ta. Thứ hai, không để cho Khmer Đỏ quay trở lại tái diễn nạn diệt chủng ở Campuchia cũng như để xẩy ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam một lần nữa. Thứ ba, giúp cho chính quyền, đảng cầm quyền, quân đội của bạn vững mạnh, người dân bạn có cuộc sống tương đối ổn định để có thể tự làm thực hiện sự nghiệp xây dựng đất nước mình. Và đặc biệt phải cắt đứt được nguồn tài trợ nước ngoài cho lực lượng Khmer Đỏ, ngăn chặn không cho chúng tiếp tục hoạt động tội ác ở Campuchia. Sau 10 năm, nhiệm vụ này đã cơ bản hoàn thành .

Việc rút quân tình nguyện Việt Nam về nước là một bước đi chiến lược bài bản, kỹ lưỡng, sáng suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trước chiến dịch đặc biệt này, Tư lệnh mặt trận Lê Đức Anh đã ra chỉ thị: “Trước khi rút quân, phải đảm bảo đời sống cho nhân dân bạn” (sửa nhà, đào kênh, phòng chống dịch bệnh…). Thực hiện mệnh lệnh, trong khoảng thời gian còn lại ở Campuchia, bộ đội Việt Nam đã thực sự trở thành đội quân công tác, là lực lượng lao động chính để chăm lo cho đời sống nhân dân Campuchia, để khi không còn sự giúp đỡ trực tiếp của quân tình nguyện Việt Nam, nhân dân bạn vẫn sống được, và tự bảo vệ được mình. Thậm chí, tất cả những gì của người lính trừ trang bị vũ khí, đã để lại cho nhân dân bạn từ lương khô, gạo, thuốc men, mùng mền…

Hàng vạn, hàng chục vạn người lính tình nguyện Việt Nam bắt đầu rút từ hơn một năm trước bằng đường bộ, đường thủy và cả đường hàng không; rút trên toàn tuyến biên giới, bằng cả các phương tiện cơ giới và cả hành quân bộ. Đoàn quân về nước không phải rút từng cụm mà rút theo hướng thưa dần trên toàn bộ mặt trận. Ngày trở về, có cả những bệnh viện dã chiến, thương binh trên toàn mặt trận, có người còn nằm trên cáng và có cả những bộ hài cốt đồng đội được “xếp gọn” trong ba lô... Quân ta rút tới đâu bàn giao cho bạn đảm đương đến đó. Có thể nói, cuộc rút quân ấy là cuộc hành binh rất lớn, nếu không nói là kỳ tích. Cuộc rút quân đã đảm bảo an toàn, không để Khmer Đỏ lợi dụng tình hình gây rối loạn, không để phục kích, tập kích, chống phá rút quân. Kỷ luật dân vận, kỷ luật đối ngoại cũng được thực hiện nghiêm. Đó là một cuộc rút quân rất “êm”!

Và điều tự hào nhất, đó là Đoàn quân tình nguyện về nước trong tư thế của người chiến thắng, trong vị thế của người đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, tự hào vì đã bảo vệ được sự tồn vong của đất nước mình và giúp được nhân dân bạn. Hàng vạn người lính đã trở về nhà sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế trong một cuộc rút quân kéo dài. Toàn bộ quá trình rút quân đã diễn ra đúng kế hoạch dự kiến, trong không khí hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và được nhân dân cả hai nước đón nhận với thái độ rất tích cực.

Hoàn thành sứ mệnh

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giúp bạn tại Campuchia, ta phải chịu nhiều sức ép, và thực tế trải qua thời gian một thập kỷ, sức ép đó ngày càng nặng hơn. Đầu tiên phải kể đến là sức ép quốc tế. Thời điểm ấy, cuộc chiến tranh của quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia bị các thế lực bên ngoài bôi đen khiến thế giới không hiểu đúng tính chất của cuộc chiến. Hai mươi năm sau, khi Tòa án quốc tế xử  đã tuyên rất rõ tội ác của Khmer Đỏ là thảm họa diệt chủng, lúc đó cuộc chiến chính nghĩa của Việt Nam mới được nhìn nhận đúng. Suốt một thập kỷ, các thế lực thù địch chủ ý kéo dài cuộc chiến tại Campuchia, cùng với sự đau khổ của nhân dân Campuchia, chống lại cuộc hồi sinh của dân tộc Campuchia đã tạo ra áp lực một cách toàn diện, cả về quân sự, chính trị và kinh tế... cho cả ta và bạn. Các thế lực thù địch còn tích cực vận động quốc tế cô lập, tăng cường bao vây cấm vận Việt Nam... Và nếu nhớ lại, chúng ta hồi đó còn có một cuộc chiến tranh khác, cuộc “chiến tranh ngầm”: Chiến tranh phá hoại kinh tế, làm chảy máu vàng Việt Nam; làm cho Việt Nam kiệt quệ theo đúng với ý đồ và thỏa hiệp của các nước lớn. Một sức ép lớn nữa mà chúng ta phải đối mặt là sức chịu đựng của đất nước. Cuộc chiến này đã hao tổn của chúng ta nhiều tiền bạc, vật chất thời gian và cả tuổi trẻ, xương máu của bao thanh niên Việt Nam.

Cần phải thoát ra khỏi những sức ép nặng nề ấy, để càng lâu càng không có lợi. Nhưng mặt khác, chúng ta chỉ rút quân khi đã hoàn thành các mục tiêu chiến lược ở Campuchia, cả cho bạn và cho ta, chỉ khi đó chúng ta thực sẽ thực sự rút quân trong tư thế của người chiến thắng. Năm 1989 chính là “thời điểm chín muồi”. Nhận thức rất rõ, rằng việc rút quân không chỉ là vấn đề quân sự mà đấy chính là cánh cửa đầu tiên mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hội nhập quốc tế và phát triển của đất nước. Thực tế, sau khi rút quân, chúng ta bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc; rồi bình thường hóa quan hệ với Mỹ; gia nhập ASEAN… chúng ta quay trở lại với thế giới bằng tư thế của người chiến thắng. Có những thời gian, ta hầu như đơn độc trong cuộc chiến này nhưng rồi cuối cùng vẫn thắng lợi. 

Quay trở lại thời điểm sau khi Việt Nam tuyên bố rút toàn bộ quân khỏi Campuchia, một số tổ chức quốc tế khi ấy vẫn nghi ngờ cho rằng Việt Nam vẫn ém lực lượng ở lại. Ngày 23-10-1991, hiệp định hòa bình Paris được ký, đưa đến việc điều động quân gìn giữ hòa bình LHQ (Cơ quan chuyển tiếp Liên hiệp quốc tại Campuchia - UNTAC) để theo dõi hiệp định và giám sát bầu cử ngày 23/5/1993.  Họ tìm kiếm trong suốt một thời gian dài ở Campuchia và đã không tìm thấy người lính Việt Nam nào còn ở lại đây.

Không để xẩy ra “hội chứng chiến tranh”

Quân tình nguyện Việt Nam rút về không phải hoàn toàn giống như những gì chúng ta xem trên phim ảnh tư liệu với những cái ôm rất chặt, với hoa và cổng chào rực rỡ. Hàng vạn người lính trở về từ Campuchia như thế, khi rút về họ sẽ làm công việc gì? Làm sao đảm bảo cuộc sống cho họ (ăn - ở; các điều kiện sống - làm việc ...). Đảng, Nhà nước đã có những chính sách từng người lính có cuộc sống ổn định sau khi rút quân về nước. Cụ thể, những người không tiếp tục ở lại quân đội mà trở về địa phương sẽ được nhận lại về đúng vị trí trước khi họ nhập ngũ. Người làm việc ở xí nghiệp thì trở lại làm việc, người đang theo học thì được đi học tiếp. Mọi chiến sĩ đều được hưởng chế độ 6 tháng dậy nghề lái xe, xây dựng, tiện, hàn… tại các trường do quân đội lập. Sau khóa đào tạo nghề, họ được bố trí công việc ở các cơ sở sản xuất của địa phương. Có nghề, có việc họ tự chủ động lo công việc và cuộc sống gia đình. Đây cũng là thời điểm xuất hiện các đoàn kinh tế quốc phòng, nhằm tạo công việc cho những chiến sĩ từ Campuchia về tự nguyện tham gia lao động, sản xuất... ở những vùng đất mới. Nhà nước ưu tiên chỉ tiêu “xuất khẩu lao động” cho các đơn vị có chiến sỹ rút quân từ nước bạn về. Thậm chí có những đơn vị mà các chiến sỹ không kịp về thăm nhà, được đi thẳng sang các nước Đông Âu học nghề và lao động. Cán bộ, chiến sỹ trực tiếp chiến đấu ở Campuchia khi về nước được cấp một mảnh đất nhỏ để xây nhà, an cư lạc nghiệp. Việc triển khai đồng loạt các giải pháp dành cho người lính đã giúp họ buông tay súng, nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống. Có thể tự hào nhìn lại rằng chỉ duy có Việt Nam mới thực hiện được chính sách hậu chiến thành công.

Suốt 30 năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân đội luôn chăm lo công tác chính sách đối với những người thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả. Thống kê gần nhất của ngành Chính sách Quân đội cho thấy, chỉ tính riêng trong 3 năm (2016 - 2018), toàn quân đã vận động cán bộ, chiến sĩ và huy động các nguồn lực đóng góp cho các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa được hơn 222 tỷ đồng; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 533.000 lượt người; nhận đỡ đầu, tạo việc làm cho 877 con thương binh, liệt sĩ và đối tượng chính sách; xây dựng 3.171 nhà tình nghĩa, v.v. Thông qua đó, đã trực tiếp góp phần nâng cao đời sống của các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng nói chung, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia nói riêng; thể hiện cao về trách nhiệm chính trị, nghĩa tình đồng chí, đồng đội sâu đậm, thủy chung.

Thể hiện sự tri ân sâu sắc với những người lính tình nguyện cũng là việc làm quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Suốt 30 năm qua, chúng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với đối tượng chính sách, chăm sóc, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thế nhưng sẽ vẫn là chưa đủ. Để tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo động lực chính trị - tinh thần cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, sẽ còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước.

Từ cuộc hành binh đập tan chế độ diệt chủng, tới khát vọng hòa bình bền vững

Có những người đặt câu hỏi: chúng ta hy sinh hàng vạn người ở Campuchia, hy sinh biết bao nhiêu nguồn lực, biết bao nhiêu thanh niên, tuổi trẻ đã đem lại gì cho bạn và đem lại những gì cho ta? Mọi hy sinh của chúng ta, của từng cán bộ chiến sỹ trên chiến trường Campuchia trước hết là sự hy sinh vì chính đất nước, dân tộc Việt Nam. Đưa quân sang Campuchia là sự cứu giúp cả một dân tộc khỏi chế độ diệt chủng. Song quan trọng là chúng ta đã thực hiện quyền bảo vệ đất nước, ngăn chặn nguy cơ Khmer Đỏ xâm lược Việt Nam, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh quay trở lại Việt Nam. 10 năm ở lại trên đất Campuchia giúp bạn xây dựng đất nước, giúp bạn vững mạnh, tự “đứng” được cũng nhằm ngăn chặn viễn cảnh về chiến tranh trên biên giới… Những gì chúng ta làm giúp Campuchia, đã đem lại lợi ích song trùng ở tầm quốc gia và tầm chiến lược cho cả ta và bạn.

Có những sự kiện lịch sử khi thời gian trôi về quá khứ càng xa thì ý nghĩa, giá trị của nó càng lớn lao. Chiến dịch rút hàng chục vạn người của đội quân tình nguyện từ Campuchia về nước, là một dấu ấn trong lịch sử QĐND Việt Nam, rất đáng tự hào. 30 năm sau cuộc rút quân huyền thoại của quân tình nguyện Việt Nam càng cho thấy rõ tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ láng giềng trên cơ sở độc lập, tự chủ, tôn trọng, trên cơ sở lợi ích của hai bên. Giờ đây, việc Việt Nam đưa quân đội đi phục vụ việc gìn giữ hòa bình tại nhiều vùng đất châu Phi xa xôi cũng chính là nhằm tới mục đích xa hơn là sẽ không phải đưa quân đi tác chiến ở bất cứ cuộc chiến nào.

Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Tin cùng chuyên mục