Ngày tôi vào lớp 1

Chính xác tôi vào lớp 1 niên khóa 1984-1985, đến hôm nay đã hơn 35 năm. Nơi tôi học những năm tháng đầu đời là ngôi trường làng. Những thầy cô đứng lớp thời bấy giờ, thường được gọi là ông giáo làng - bà giáo làng. 
Ngày tôi vào lớp 1

So với trẻ con đang chuẩn bị vào lớp 1 hiện nay, hình như cụm từ này không còn tồn tại. Ký ức dù có trôi theo thời gian ra sao đi nữa, thì những năm tháng đi học đầu tiên của tôi, mãi là khung trời đẹp.

Những đứa trẻ 6 - 7 tuổi ngày đó (kể cả những lứa anh chị lớn hơn tôi vài tuổi và những lứa đàn em nhỏ hơn vài tuổi) chưa từng biết mặt chữ. Một lớp vài chục đứa, quần áo lấm lem, được cha mẹ hoặc anh chị đưa đến trường; có đứa được cõng, có đứa được đưa bằng xuồng. Tất cả đều mang gương mặt giống nhau, vừa háo hức vừa sợ sệt. Thời kỳ này, đất nước đang chuẩn bị bước vào công cuộc đổi mới, gần như gia đình nào cũng thiếu thốn. Ngày đó cũng không hề có chuyện đồng phục gì cả. Trẻ con nông thôn được ăn mặc sạch sẽ và lành lặn là điều đáng mừng rồi, khoan hãy nghĩ đến chuyện mặc đẹp. 

Giờ đây nhớ lại, ký ức cũ dù đã 35 năm, vẫn trong veo như chưa từng phủ lớp bụi thời gian nào. Có đứa sau khi được đưa đến lớp, cha/mẹ hoặc anh/chị vừa ra về, đã khóc thét lên trong sợ hãi; có đứa xung quanh mép còn đầy lằn phấn của cây mía vừa xước vội. Và gần như có đến 2/3 trẻ con trong lớp đều mang theo bình ton đựng nước, mà cái bình ton đó có từ hồi nào trong mỗi gia đình, bọn tôi làm gì biết được!

Cũng phải nhắc lại cái chuyện ông giáo làng - bà giáo làng thuở ấy. Lớp 1 của tôi hồi đó chỉ có một bà giáo làng duy nhất giảng dạy, không có chuyện giáo viên chủ nhiệm như bây giờ. Tất nhiên một mình bà giáo làng dạy bọn tôi tất tần tật mọi thứ như chương trình (hoặc giáo án) đã đề ra. Những đứa trẻ chưa từng biết mặt chữ thì ôi thôi, khó khăn biết dường nào. Hết học kỳ 1, đứa nào thuộc hết bảng chữ cái và bập bẹ ráp vần được là một thành tích đáng được tự hào.

Và cuối học kỳ 2 của năm lớp 1, đứa nào ráp vần một cách trôi chảy, coi như là một sự “vĩ đại” lắm lắm rồi. Không giống như bây giờ, bất kỳ đứa trẻ nào sắp vào lớp 1 cũng đọc chữ trôi chảy, thậm chí cả sách báo đều có thể đọc một cách rất thông thạo. Đem lớp 1 của tôi hồi hơn 35 năm trước so với lớp 1 bây giờ, quả là một sự so sánh vô cùng khập khiễng. 

Cái chuyện rèn học trò, ông giáo làng - bà giáo làng ngày xưa vô cùng nghiêm khắc, học trò bị đánh vào lòng bàn tay hoặc véo lỗ tai… đều là chuyện thường tình. Mà phụ huynh hồi đó quý trọng thầy cô giáo của con vô cùng. Như cái chuyện học trò bị đánh đòn khi không biết vâng lời thầy cô, phụ huynh khi đến đón con, đều thấy lỗi đó như mình gây ra là ở nhà chưa “dạy dỗ” con em đến nơi đến chốn, cứ thế mà rối rít xin lỗi thầy cô. Dẫu biết rằng đòn roi không là phương pháp giáo dục cần được ủng hộ, nhưng dưới góc độ của một phụ huynh (chứ không phải là đứa trẻ lớp 1 của hơn 35 năm trước), cá nhân tôi thấy đôi khi trẻ quá mải mê với những thứ không thuộc về bài vở và lớp học, thi thoảng cũng cần “nhắc nhở” bằng roi vọt, như những bài học nhớ đời của bọn tôi thời những năm ở cấp tiểu học. 

Hồi lớp 1 của tôi (và cả những lớp tiếp sau đó), là sự nhọc nhằn không kém của cha tôi. Mà, không riêng gì cha tôi, những phụ huynh khác cũng vậy. Trường lớp của bọn tôi đều là nền đất và làm bằng cây lá tạm bợ, kể cả bàn ghế cũng vậy, cho nên khi bọn tôi sắp tựu trường, là sự gặp gỡ giữa ban giám hiệu, ông giáo làng - bà giáo làng và phụ huynh để tính toán câu chuyện cần bao nhiêu khúc gỗ trâm bầu để xẻ ván đóng bàn ghế, cũng như cần bao nhiêu những loại cây ván khác để bắc qua những họng ao nối nhà này qua nhà khác, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ con tự đến trường mùa mưa bão khi phụ huynh bận làm mùa, không đưa đón trẻ mỗi ngày được.

Nói thêm, cũng vì những họng ao này, mà trẻ con bọn tôi khi đến lớp, không được sự hỗ trợ từ gia đình, có hôm mặc quần áo ướt vào lớp học, là chuyện bình thường. Vì mùa mưa, đường trơn trợt, khi qua những cây cầu tre lắt lẻo, té ùm xuống nước là chuyện thường ngày ở ấp. 

Cái ngày tôi vào lớp 1 đã hơn 35 năm. Ngôi trường ngày nhỏ tôi học, bây giờ là trụ sở sinh hoạt văn hóa của ấp, cũng khá khang trang. Lâu lâu về thăm quê, thăm nơi cha nằm xuống, đi ngang nơi ngày xưa tôi từng đi học những năm đầu đời, bao ký ức buồn vui cứ đan xen theo nếp nghĩ… Bà giáo làng ngày thơ bé, tôi không biết họ và chữ lót ra sao, chỉ nhớ cả ấp, cả xã tôi ngày xưa cho đến tận bây giờ, đều gọi bà bằng cái tên hết sức thân thương và trìu mến: cô Tám Yễn. Tất nhiên bây giờ, sau từng ấy thời gian, cô đã nghỉ hưu lâu rồi. Cả 4 anh em tôi, đến thằng cháu đầu con anh trai lớn của tôi, nay đã gần 30 tuổi, đều được cô/bà cô Tám Yễn dạy năm học lớp 1. 

Ngày tôi vào lớp 1 đã hơn 35 năm. Từng ký ức vẫn còn nguyên vẹn và trong veo như thuở nào! Thương quá ngôi trường làng của tôi thời thơ ấu! q

Tin cùng chuyên mục