Ngày tết ở Trung tâm Cấp cứu 115

7 giờ 20 sáng mùng 1 Tết, Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM nhận cuộc gọi xe cấp cứu khẩn từ gia đình bệnh nhân Lê Phong Giao ở đường Hòa Hưng (quận 10). Y sĩ La Minh Thiện Tâm cùng 2 điều dưỡng Trần Quang Duy, Nguyễn Kim Toàn nhanh chóng ra xe. 
Vận chuyển, cấp cứu sản phụ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh
Vận chuyển, cấp cứu sản phụ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh

Không bỏ cuộc

Chưa tới 7 phút, xe cấp cứu đã đến đầu hẻm 216C đường Hòa Hưng. Con hẻm vào nhà khá xa, vòng vèo nhiều ngõ ngách, chỉ đủ hơn 1 người đi, chiếc băng ca di chuyển vừa sát. Khi tới nơi, bệnh nhân đã bất tỉnh, kiểm tra thì thấy ngưng thở, mạch cảnh không bắt được. Không chần chừ, ê kíp nhanh chóng đặt nội khí quản, hít thở với ôxy 15 lít/phút, đặt màn hình theo dõi, sử dụng thuốc, vận mạch, sốc điện… Sau khi xử trí, tình trạng bệnh nhân vẫn còn hôn mê nhưng mạch cảnh đã bắt được, huyết áp lúc này là 120/60mmHg. Bệnh nhân được nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương. 

Trước đó, lúc 3 giờ 45 sáng mùng 1 Tết, nhận cuộc gọi có một ca đẻ rớt, mất máu nhiều tại địa điểm không xác định trên đường Liên ấp 234 (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), ê kíp bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hương, điều dưỡng Phạm Việt Tuyền, Trang và tài xế Trần Huỳnh Lâm Vũ tức tốc lên xe. Dù địa điểm này khá xa trung tâm thành phố nhưng chưa tới 20 phút, xe cấp cứu đã đến nơi. Sản phụ Lê Thị Cúc (28 tuổi) đang nằm trong nhà trọ với tình trạng mê man, em bé đẻ rớt nằm cạnh đùi mẹ…

Ngay lập tức, bác sĩ Hương và đồng nghiệp truyền dịch, giúp sản phụ và chăm sóc em bé, kẹp rốn, đưa mẹ và bé đến Bệnh viện Hùng Vương. Anh Lê Nhật Thanh, em trai sản phụ, cho biết: “Chồng chị gái tôi về quê đúng ngày này. Khuya quá, nhà trọ không có ai biết cách xử trí, gọi taxi cũng không được, đêm hôm như vậy chỉ còn Cấp cứu 115 mới chịu đến tận chỗ này để hỗ trợ. Thật sự cảm ơn các anh chị bên trung tâm đã không bỏ cuộc, hỗ trợ mẹ con chị gái tôi”. 

Sáng sớm mùng 1 Tết, tại hẻm 54 Bình Hưng (huyện Bình Chánh), một vụ cháy xảy ra khiến một số người trong gia đình anh Phan Thanh Hùng bị phỏng, ngạt khói, bất tỉnh. Các nạn nhân được đưa vào Bệnh viện Quận 8. Nhận cuộc gọi từ Bệnh viện Quận 8 nhờ đưa các nạn nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy trong thời gian ngắn nhất, ê kíp bác sĩ Khuất Hoàng Sơn và các điều dưỡng nhanh chóng lên đường. 

Tận tâm, thầm lặng

Có mặt trong đêm cuối cùng của năm 2019 tại Trung tâm Cấp cứu 115 và chứng kiện sự bận rộn của nơi này. Phòng điều hành luôn trong tình trạng có cuộc gọi là báo động khẩn. Không kịp ngước nhìn thời khắc giao thừa đang đến rất gần, các nhân viên y tế tại trung tâm vẫn tất bật, căng thẳng với công việc. Xe cấp cứu liên tục chạy đi chạy về trước sân trung tâm, sau mỗi tiếng “reng, reng” từ phòng điều hành. “Những ngày giáp tết, ngày tết, số ca cấp cứu nhiều hơn ngày thường, như ngày 30 Tết có tới 41 ca cấp cứu”, điều dưỡng Võ Văn Sầm cho hay. Làm việc ở trung tâm khoảng 9 năm, hầu như tết năm nào anh và đồng nghiệp cũng khó có một cái tết trọn vẹn bên gia đình. Trong ca trực, các y bác sĩ, điều dưỡng chỉ ngủ “nửa con mắt”, đặt lưng xuống để bớt mệt cho những cuộc chạy đua tiếp theo. 

Sau ca trực từ 7 giờ sáng 30 Tết tới 7 giờ sáng mùng 1 Tết, ngồi nhẩm tính, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hương cho biết đã “chạy đua” cùng 8 ca cấp cứu ngoại viện. 

Với điều dưỡng Nguyễn Hoàng Long (26 tuổi), đây là năm thứ 2 trực tết. Trong ca trực ngày 30 Tết và rạng sáng mùng 1 Tết, anh Long đi 8 chuyến cấp cứu, trong đó có 6 ca hồi sức, 2 ca ngưng tim. “Ở đây, chúng tôi theo xe đi liên tục. Năm ngoái tôi trực 29 và mùng 4 Tết. Năm nay, sáng mùng 1 Tết kết thúc ca trực, tôi bắt xe về quê ở Kiên Giang ăn tết với gia đình rồi mùng 4 Tết lên trực lại”, anh Long kể.

Còn y sĩ La Minh Thiện Tâm, đây là năm thứ 5 anh làm việc và trực xuyên tết. Vậy đó, nhưng sau khi về trung tâm, giữa thời gian nghỉ ngơi chờ ca tiếp theo, tâm trạng các y bác sĩ cũng chùng xuống. “Mùng 1 Tết hôm nay, một ca cấp cứu không kịp, một gia đình mất đi người thân, con cái gào khóc làm ai cũng xót xa”, anh Tâm trải lòng.

Tin cùng chuyên mục