Ngày quốc tế Hạnh phúc 20-3: Giữ niềm tin về cuộc sống tốt đẹp hơn

Đại dịch Covid-19 khiến thế giới phải trải qua những ngày tháng đầy khó khăn, thử thách và tang thương, nhưng điều bất ngờ nhất là niềm tin của con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn vẫn chưa bị hủy hoại. Đây là kết quả nghiên cứu trong bản báo cáo Hạnh phúc thế giới 2021 vừa công bố ngày 20-3, còn được gọi là Ngày quốc tế Hạnh phúc. 

Phần Lan đứng đầu 

Theo bản báo cáo, sau hơn một năm chịu cảnh phong tỏa, giãn cách xã hội, người dân toàn cầu đã dần thích nghi với cuộc sống bình thường mới. Tuy nhiên, tình trạng bế tắc và cách ly xã hội trong đại dịch phần nào gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động.

Một trong những tác giả của báo cáo, ông Jeffrey Sachs, Đại học Columbia (Mỹ), cảnh báo: “Chúng ta cần nhanh chóng rút ra bài học từ dịch Covid-19, cần quan tâm đến trạng thái tinh thần thoải mái hơn là tài sản vật chất thuần túy”. Báo cáo trên cũng công bố bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong năm qua do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững (SDSN) và Trung tâm Phát triển bền vững (CSD) tại Đại học Columbia thực hiện. Theo đó, năm 2020 là năm thứ 4 liên tiếp Phần Lan giành vị trí đứng đầu danh sách quốc gia hạnh phúc. Theo sau lần lượt là Iceland, Đan Mạch, Thụy Sĩ và Hà Lan.

Dù có một số thay đổi trong tốp 10 - Iceland từ thứ 4 lên thứ 2, Na Uy từ thứ 5 xuống thứ 8, nhưng thứ hạng cơ bản vẫn tương tự như năm trước, thể hiện dấu hiệu tích cực. Các nhà nghiên cứu cho biết không có gì ngạc nhiên khi Phần Lan tiếp tục giữ vị trí số một, vì quốc gia Bắc Âu này luôn được xếp hạng cao về chỉ số tin cậy. Niềm tin, được coi là một trong những yếu tố chính giúp bảo vệ người dân trong đại dịch. Hiện số ca mắc Covid-19 tại Phần Lan thấp nhất châu Âu.

Ngày quốc tế Hạnh phúc 20-3: Giữ niềm tin về cuộc sống tốt đẹp hơn ảnh 1 Phần Lan đứng đầu các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Mùa xuân năm ngoái, khi số ca lây nhiễm tăng vọt trên toàn thế giới, Chính phủ Phần Lan nhanh chóng hành động, áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài 2 tháng. Khảo sát của Nghị viện châu Âu tại thời điểm đó cho thấy 73% số người được hỏi cho biết họ thích nghi tốt với các biện pháp hạn chế. Bên cạnh đó, nếu tăng trưởng kinh tế ở Liên minh châu Âu giảm trung bình 14%, Phần Lan chỉ giảm 6,4%, khi nước này có sức mạnh kinh tế tương đối ổn định.

Việt Nam thăng hạng 

Việt Nam đã thăng hạng từ thứ 83 lên 79, trên Trung Quốc (thứ 84) hay các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia (81), Myanmar (126). Trong khi đó, Mỹ giảm một bậc xuống thứ 19; Anh giảm từ thứ 13 xuống 18. Đức từ vị trí thứ 17 lên thứ 7, trong khi Croatia nhảy vọt từ 79 lên thứ 23.

Từ khi bắt đầu thực hiện vào năm 2012, báo cáo Hạnh phúc thế giới chủ yếu đánh giá dựa trên mức GDP, tuổi thọ, sự hào phóng, hỗ trợ xã hội, quyền tự do và tham nhũng. Đáng chú ý, báo cáo năm 2020 thay đổi một chút về tiêu chí do tác động của đại dịch, tập trung vào mối quan hệ giữa phúc lợi và Covid-19. Do đó, đã dẫn đến một số thay đổi về vị trí xếp hạng trong danh sách do phần lớn phụ thuộc vào biện pháp chống dịch, chỉ số hài lòng của người dân. 

Có đến 9/10 quốc gia trong tốp 10 nước hạnh phúc nhất thế giới nằm ở châu Âu. Trong khi đó, ở danh sách 149 quốc gia được đưa vào báo cáo, Afghanistan một lần nữa được xếp hạng không hạnh phúc nhất, tiếp theo là Zimbabwe, Rwanda và Botswana. Cuối danh sách chủ yếu là các nước kém phát triển, đang diễn ra các vấn đề về xung đột chính trị và vũ trang.

Tháng 6-2012, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon công bố Ngày quốc tế Hạnh phúc 20-3 tại một hội nghị của Liên hiệp quốc. Cho đến nay, có tổng cộng 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.

Tin cùng chuyên mục