Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 - Khẳng định vị thế, bản sắc doanh nghiệp, doanh nhân Việt: Thế hệ doanh nhân có tâm, tầm

Chưa có thống kê đầy đủ về những DN Việt đang nỗ lực làm giàu cho mình, cho xã hội và truyền cảm hứng, giúp đỡ những người khác cùng phát triển, nhưng chắc chắn con số ấy không nhỏ và đang càng ngày nhiều thêm. 

LTS: Nhận định mới nhất của Ngân hàng Thế giới về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực. Theo đó, Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng như dự báo là 7,5% vào cuối năm 2022 - một sự bứt phá ngoạn mục so với mức 2,6% trong năm 2021. Đóng góp một phần không nhỏ trong đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân Việt.

Chưa có thống kê đầy đủ về những DN Việt đang nỗ lực làm giàu cho mình, cho xã hội và truyền cảm hứng, giúp đỡ những người khác cùng phát triển, nhưng chắc chắn con số ấy không nhỏ và đang càng ngày nhiều thêm. Một trong những minh chứng cho điều ấy là sản phẩm Việt đã và đang có mặt ở gần 200 thị trường trên thế giới. Theo một thống kê gần đây của Chính phủ, DN Việt (chủ yếu là DN tư nhân) đã đóng góp cho ngân sách không thua DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). DN tư nhân trong nước chủ yếu ở quy mô nhỏ nhưng nắm giữ tổng tài sản lớn gấp khoảng 9 lần DN nhà nước, gấp 5 lần tổng tài sản của DN FDI.

Không chỉ là kinh doanh

Ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty Duy Anh (TPHCM), không giấu được niềm vui khi đầu tháng 10-2022, công ty đoạt giải thưởng đổi mới sáng tạo cho sản phẩm mới với thương hiệu “Bún ngũ cốc Mr Rice” ngay khi giới thiệu tại thị trường Paris (Pháp) thông qua Hội chợ Sial Paris 2022. Đây là sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu thuần Việt là gạo, có sự sáng tạo kết hợp với trái cây.

Trước đó, tháng 5-2022, công ty đã vượt qua 1.200 doanh nghiệp (DN) đến từ nhiều quốc gia trên thế giới để lọt vào tốp 14 DN đoạt giải thưởng “Các sản phẩm thể hiện xu hướng của thực phẩm trong tương lai” tại hội chợ triển lãm Thaifex 2022 diễn ra tại Thái Lan. Trong số này, Công ty Duy Anh là đơn vị duy nhất của Việt Nam được trao giải sáng tạo với sản phẩm “Bún dưa hấu Mr Rice”. 

Không chỉ bán hàng, nhiều doanh nhân Việt còn xây dựng được chuỗi sản xuất hiện đại, tiệm cận với tiêu chuẩn xanh, sạch, nhân đạo của thế giới, giúp sản phẩm Việt có được cái nhìn thân thiện của khách hàng ở nhiều quốc gia. Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (Vfood), là một trong những người tiên phong trong việc chăn nuôi nhưng không ngược đãi động vật.

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 - Khẳng định vị thế, bản sắc doanh nghiệp, doanh nhân Việt: Thế hệ doanh nhân có tâm, tầm ảnh 1 Trang trại gà nhân đạo của Vfood

Trang trại gà của Vfood được xây dựng tại Đồng Nai, với tổng đàn 6.000 con gà mái, ước tính hàng năm cung cấp khoảng 1,5 triệu quả trứng ra thị trường. Quy trình chăn nuôi của Vfood đã được Tổ chức chứng nhận quốc tế về chăn nuôi nhân đạo cấp chứng nhận Certified Humane. Với chứng nhận này, trứng gà của Vfood đã giúp nhiều DN sản xuất thực phẩm trong nước có thể mua ở thị trường nội địa làm nguyên liệu trong chế biến thực phẩm để xuất khẩu.

Hiện trên thế giới có nhiều quốc gia chỉ chấp nhận cho nhập thực phẩm chế biến từ các vật nuôi được đối xử nhân đạo nên sự đầu tư của Vfood không chỉ giúp DN này phát triển mà còn giúp nhiều DN khác có được nguồn nguyên liệu sản xuất ổn định trong nước. 

Dù bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương và đạt được nhiều dấu mốc bứt phá vượt bậc.

Cụ thể, kinh tế Việt Nam từ năm 2018 đến nay lần lượt tăng trưởng 7,8%, 7,02%, 2,91%, 2,6% và dự kiến đến cuối năm là 7,5%. Theo đó, quy mô GDP của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 393,76 tỷ USD. Trước đó, GDP Việt Nam từ năm 2018 đến 2021 liên tục tăng, lần lượt cán mốc 245,2 tỷ USD, 261,9 tỷ USD, 271,2 tỷ USD và 368 tỷ USD.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 - Khẳng định vị thế, bản sắc doanh nghiệp, doanh nhân Việt: Thế hệ doanh nhân có tâm, tầm ảnh 2 Doanh nghiệp sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG 

Truyền cảm hứng

Ông Phạm Hữu Thời, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống, cho biết, đơn vị có 3 trang trại trồng rau, củ, trái cây và nuôi gà, vịt… Một trang trại tại huyện Nhà Bè (TPHCM) có diện tích 12ha. Đơn vị đã đầu tư hệ thống nhà màng trên diện tích 5.000m2 và đang tiếp tục xây dựng hệ thống nhà màng 7.000m² để làm nông nghiệp hữu cơ. Trang trại thứ 2 tại thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) có diện tích 300ha. Hiện trang trại này trung bình mỗi tháng sản xuất hơn 150 tấn rau, củ, quả; 200 tấn thịt các loại và trứng… Trang trại thứ 3 tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) có diện tích 150ha và 1.000ha liên doanh liên kết với nông dân để sản xuất thủy sản, thịt các loại, gạo, rau củ quả với sản lượng 300 tấn/tháng. Sản phẩm của cả 3 trang trại này đều đạt chứng nhận hữu cơ USDA, EU và JAS cho nhóm sản phẩm rau củ quả, trái cây; chứng nhận hữu cơ EU cho trứng gà, vịt.

Theo ông Phạm Hữu Thời, công ty muốn xây dựng 3 trang trại tại nhiều khu vực có địa chất khác nhau để minh chứng với người dân, khách hàng cũng như nông dân là sản phẩm hữu cơ có thể sản xuất tại bất cứ đâu nếu người nông dân có quyết tâm và kỹ năng cần thiết. Quyết tâm của ông Phạm Hữu Thời đã truyền cảm hứng cho không ít nông dân sinh sống trong khu vực có trang trại. 

Dù đã có 10 năm đi học, làm việc tại Pháp với vai trò kỹ sư, anh Đặng Dương Minh Hoàng vẫn quyết định quay về Việt Nam để làm trang trại Thiên Nông rộng 50ha (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) trồng cao su, tiêu và bơ.

Gắn bó một thời gian với nghề nông, anh Minh Hoàng nhận thấy, dù “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng người nông dân vẫn không có thu nhập cao. Từ đó, anh quyết tâm đưa công nghệ tự động hóa vào nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả sản xuất, giúp người nông dân bớt cực.

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 - Khẳng định vị thế, bản sắc doanh nghiệp, doanh nhân Việt: Thế hệ doanh nhân có tâm, tầm ảnh 3 Anh Đặng Dương Minh Hoàng (mặc áo trắng xanh) hướng dẫn chăm sóc tiêu bằng công nghệ

Sau một thời gian nghiên cứu, anh Minh Hoàng đã thành công trong việc đưa ứng dụng AutoAgri giúp nông dân có thể theo dõi khu vườn thông qua thiết bị thông minh. Điểm nhấn của ứng dụng này là bộ cảm biến cung cấp thông tin về độ ẩm, nhiệt độ, dinh dưỡng của đất tại gốc cây trồng. Những cảm biến này liên tục cập nhật thông tin cho người nông dân giúp họ có thể điều chỉnh việc tưới nước, bón phân cho cây.

Chưa hết, qua trang web của mình, anh Minh Hoàng còn chia sẻ các kỹ thuật nuôi trồng cho nông dân và xây dựng “lịch sử” từng cây trồng trên trang web để người tiêu dùng truy xuất được toàn bộ thông tin về sản phẩm. Anh Minh Hoàng kỳ vọng, bằng công nghệ thông tin sẽ giúp kết nối người nông dân với khâu thu mua nông sản cuối cùng, để qua đó nâng tầm thương hiệu cho nông sản Việt.

Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: Uyên Lê

* Ông PETER HỒNG, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài: Cộng hưởng sức mạnh doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp kiều bào

Nguồn lực của doanh nhân, DN kiều bào không chỉ là lượng kiều hối mà quan trọng chính là mạng lưới thông tin cơ sở, hỗ trợ DN trong nước đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh, xuất khẩu ra nước ngoài. Sự phối hợp giữa DN trong nước và DN kiều bào giúp hỗ trợ nhau tốt hơn trong việc tìm kiếm khách hàng, đối tác phù hợp, nắm bắt cơ hội đầu tư trong nước; đồng thời, hỗ trợ nhau liên kết, đưa hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Để thu hút đầu tư của DN kiều bào, đồng hành hợp tác hiệu quả với các DN trong nước, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, sửa đổi, ban hành Luật Quốc tịch, Luật Đất đai… phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân nói chung và kiều bào nói riêng. Điều mà DN kiều bào luôn mong mỏi là các cơ quan chức năng thực hiện đột phá cải cách thủ tục hành chính về xuất nhập cảnh, đầu tư, kinh doanh, làm việc, mua và sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Rất nên hình thành trung tâm (viện, văn phòng….) liên kết với hội luật sư, trọng tài quốc tế về đầu tư cho các DN kiều bào khi ký kết, hợp tác đầu tư với DN trong nước, để hạn chế thấp nhất những tranh chấp thương mại. Tăng cường đưa thông tin chính thống về pháp luật, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như hỗ trợ doanh nhân kiều bào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh. TPHCM và cả nước có thể xem xét huy động vốn của kiều bào bằng cách phát hành trái phiếu trong những dự án công như cầu, đường cao tốc, khu công nghiệp… Như vậy sẽ giúp gia tăng lượng kiều hối được huy động, dòng tiền được đảm bảo. 


Sự gắn kết giữa DN trong nước và DN kiều bào sẽ tạo sức mạnh cộng hưởng chung cho nội lực kinh tế Việt Nam phát triển.

* Bà VĂN THỊ THỦY, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mekong Herbals: Mong đối thoại nhiều hơn với chính quyền địa phương

Để DN yên tâm sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững, chúng tôi đề xuất Nhà nước xem xét giảm thiểu các thủ tục hành chính giúp DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận các chính sách ưu đãi từ Chính phủ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng ở địa phương nên thường xuyên tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với DN hơn để lắng nghe, thấu hiểu khó khăn, nguyện vọng nhằm có biện pháp, tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ DN.

Tin cùng chuyên mục