Ngày 6-11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn

Theo chương trình nghị sự, từ ngày 6-11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, kéo dài trong 3 ngày, đến 8-11.

Đầu tiên trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, lần lượt sau đó là Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng. 

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tại diễn đàn Quốc hội.

Chốt lại 3 ngày chất vấn, chiều 8-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ báo cáo làm rõ thêm các vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Với các vấn đề nóng của lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chịu trách nhiệm trả lời chính. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ Công thương, Y tế, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Khoa học - công nghệ, Thông tin - truyền thông, Giao thông vận tải, Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Quốc phòng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng tham gia giải trình những vấn đề có liên quan.

Chiều 5-11, Bộ NN-PTNT cho biết, ông Nguyễn Xuân Cường đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại kỳ họp này. 

Các nội dung chính gồm: kết quả và tồn tại trong xây dựng nông thôn mới, giải pháp khắc phục trong thời gian tới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ nông sản; kết quả và hạn chế trong ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp; công tác mở cửa phát triển thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản; công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, kết quả phòng chống dịch tả heo châu Phi; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

Trong các nội dung báo cáo, đáng chú ý là về kiểm soát khai thác hải sản trên biển, hỗ trợ đóng tàu, tiếp sức cho ngư dân vươn khơi, bám biển… 

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, tính đến ngày 30-9-2019, tổng số tàu cá là 96.609 chiếc. Nhờ chính sách tín dụng từ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, đã có 1.030 tàu đóng mới đi vào hoạt động với tổng tín dụng cho vay là 11.511 tỷ đồng.

Mặc dù tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu (chủ yếu là các tàu vỏ thép) đang tồn tại, song Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, số tàu cá được đóng theo Nghị định 67 hiện ngừng hoạt động sản xuất là 55 tàu, chỉ chiếm 5,2% tổng số tàu đóng mới. 

Về nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo uy định (IUU), đến nay đã cơ bản chấm dứt được tình trạng tàu cá và ngư dân của Việt Nam vi phạm vùng biển của các nước quốc đảo Thái Bình Dương. Đã tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trước hết cho nhóm tàu có chiều từ 24m trở lên. 

Tin cùng chuyên mục