Ngày 21 và 22-3, giám sát về khiếu nại, tố cáo tại TPHCM

Thời gian dự kiến giám sát tại TPHCM vào ngày 21 và 22-3; Hà Nội vào ngày 31-3 và 1-4. Căn cứ tình hình thực tế, đoàn đề xuất mời Chủ tịch Quốc hội tham dự và chủ trì.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Chiều 14-3, cơ quan thường trực của Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021.

Phó Trưởng Đoàn giám sát, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong thời gian tới, Đoàn dự kiến tập trung giám sát trọng tâm, trọng điểm khi thực hiện giám sát tại một số bộ ngành, địa phương về một số nội dung.

Theo đó, để hoạt động giám sát đảm bảo tính khách quan, thực tiễn, Đoàn giám sát dự kiến: thành lập 2 đoàn giám sát tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, TPHCM, Khánh Hòa, Kiên Giang là các địa phương có công dân khiếu nại đông người, phức tạp; có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai; về quản lý và vận hành nhà chung cư thương mại; về thực hiện chính sách đối với người có công; về việc thực hiện chuyển đổi chợ dân sinh thành các trung tâm thương mại (kể cả việc xây dựng lại chợ)…

“Các địa phương Hà Nội, TPHCM, dành 2 ngày cho mỗi địa phương. Trong đó 1 ngày làm việc với UBND và các cơ quan hành chính; 1 ngày làm việc với tòa án, viện kiểm sát và một số cơ quan có liên quan (công an, thi hành án dân sự).

Các địa phương còn lại, mỗi địa phương 1 ngày. Trong đó, 1 buổi làm việc với UBND và các cơ quan hành chính; 1 buổi làm việc với tòa án, viện kiểm sát và một số cơ quan có liên quan”, ông Dương Thanh Bình nêu rõ.

Về các vụ việc cụ thể, dự kiến mỗi địa phương, đoàn giám sát sẽ trực tiếp xem xét, có ý kiến tối đa 5 vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể. Trên cơ sở danh sách các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp tồn đọng, phức tạp, kéo dài, tổ giúp việc sẽ lập danh sách, đề xuất Đoàn giám sát đưa vào nội dung giám sát tại địa phương.

Thời gian dự kiến giám sát tại TPHCM vào ngày 21 và 22-3; Hà Nội vào ngày 31-3 và 1-4. Căn cứ tình hình thực tế, đoàn đề xuất mời Chủ tịch Quốc hội tham dự và chủ trì.

Tại các địa phương khác, dự kiến là Kiên Giang (ngày 24-3); Khánh Hòa (ngày 5-4), Lào Cai (ngày 8-4). Căn cứ tình hình thực tế, trong trường hợp cần thiết, đồng chí Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát sẽ tham dự và chủ trì.

Ngoài các nội dung báo cáo theo đề cương chung, Đoàn giám sát tổ chức 8 buổi làm việc với 8 bộ ngành: Bộ TN-MT; Bộ Xây dựng; Bộ LĐTB-XH; Bộ Tư pháp; Bộ Công an; Thanh tra Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Quốc hội có thể sẽ tham dự và chủ trì một số buổi làm việc với các bộ, ngành.

Tin cùng chuyên mục