Ngao ngán với các cua-rơ chạy ẩu

Thời gian gần đây, việc sử dụng xe đạp để rèn luyện sức khỏe không còn xa lạ. Nếu chỉ đơn thuần vì mục đích sức khỏe thì sẽ chẳng có điều gì đáng nói về các cua-rơ này. 

Điều đáng lưu tâm là không ít người đạp xe đạp thể dục cố tình đạp xe dàn hàng, chiếm dụng hết làn đường của các xe cùng chiều; thậm chí có những người còn lấn sang cả làn đường dành cho xe đi chiều ngược lại.

Bản thân tôi trong một lần di chuyển lúc sáng sớm trên đường đã bị lạc tay lái, dẫn đến ngã ra đường do né ba người đạp xe đạp thể dục dàn hàng, đi ngược chiều, chiếm hết làn đường của xe máy. May mắn là khi đó trời vừa sáng, trên đường chưa có nhiều xe cộ qua lại nên tôi chỉ bị trầy xước tay chân chứ không có gì trầm trọng.

Hoặc như trường hợp anh đồng nghiệp của tôi lúc điều khiển xe ô tô gặp phải các cua-rơ thì phải di chuyển thật chậm. Theo lời anh kể, các cua-rơ dù biết có ô tô phía sau nhưng chẳng những không có động thái nhường đường mà còn thản nhiên đi nghênh ngang, khiến xe của anh đồng nghiệp và nhiều xe khác phải di chuyển chậm trên đoạn đường rất dài. Ngoài ra, nhiều cua-rơ thường lựa chọn đại lộ hay cao tốc để luyện tập đạp xe. Có lần điều khiển xe ô tô trên đường cao tốc, anh đồng nghiệp của tôi bắt gặp đoàn người đạp xe vào làn xe chạy với tốc độ cao nhất.

Pháp luật hiện hành đã có những quy định dành cho người đi xe đạp. Cụ thể, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính những cá nhân sử dụng xe đạp đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển (trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định) sẽ bị phạt từ 300.000-400.000 đồng.

Đặc biệt, nếu người vi phạm không xuất trình được giấy tờ liên quan vào thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng sẽ tạm giữ phương tiện. Dù vậy, các cua-rơ vẫn viện nhiều lý do để không tuân thủ an toàn, gây ảnh hưởng đến người lưu thông trên đường.

Tin cùng chuyên mục