Ngành thực phẩm: Cơ hội rộng mở

Thông tin nhận định thị trường xuất khẩu từ các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài cho thấy, năm 2021, hàng hóa Việt Nam nói chung có cơ hội rất lớn xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, Bắc Âu, Hoa Kỳ, Á - Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… 
Sản phẩm sữa Việt Nam của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) xuất khẩu ra nhiều thị trường khó tính trên thế giới
Sản phẩm sữa Việt Nam của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) xuất khẩu ra nhiều thị trường khó tính trên thế giới

Việc gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu từ đầu năm 2020 đến nay vì dịch Covid-19 đã tạo những khoảng trống trên thị trường nước ngoài. Ở chiều ngược lại, hàng Việt đã lấy lại ưu thế trên sân nhà khi có đến 76% người tiêu dùng được khảo sát cho biết ưu tiên chọn sử dụng hàng Việt do độ tin cậy cao. Điều này cũng đã tạo cơ hội để hàng Việt không những mở rộng thị phần xuất khẩu mà còn chắc chân ở thị trường nội địa.

Cạnh tranh được về giá và chất lượng

 Thông tin nhận định thị trường xuất khẩu từ các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài cho thấy, năm 2021, hàng hóa Việt Nam nói chung có cơ hội rất lớn xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, Bắc Âu, Hoa Kỳ, Á - Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đặc biệt là hàng nông, thủy, hải sản, lương thực thực phẩm chế biến sâu đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và có thương hiệu. Hiện kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tại những thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, Bắc Âu, Á - Âu… chỉ mới chiếm 2%/tổng kim ngạch nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Ông Bùi Phương Anh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, cho rằng, trước đây hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thường bị áp thuế cao, khoảng 7%-12%. Thậm chí, ở một số ngành hàng, mức thuế xuất khẩu bị áp lên tới 22%. So với nhóm sản phẩm cùng loại của các nước được hưởng thuế ưu đãi thì hàng Việt không thể cạnh tranh về giá thành. Thế nhưng, với những Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký và có hiệu lực với EU, Á - Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… hàng Việt không còn lo ngại khả năng cạnh tranh về giá, lợi thế xuất khẩu cũng sẽ tốt hơn.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Nafoods, khẳng định, sự chênh lệnh mức giá do bị áp thuế đã khiến hàng Việt chịu thiệt thòi về năng lực cạnh tranh. Nay với mức thuế ưu đãi 0% thì những rào cản như chất lượng, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm… không còn đáng ngại. Trong những năm qua, để đón đầu cơ hội từ các FTA, nhiều doanh nghiệp nội đã nhanh chóng chuyển đổi công nghệ sản xuất. Thậm chí, mạnh dạn áp dụng công nghệ sản xuất châu Âu, Hoa Kỳ nên đáp ứng những rào cản kỹ thuật khắt khe nhất của những thị trường khó tính trên.

Một yếu tố khác mà hàng Việt xuất khẩu được đánh giá có tiềm năng là do người tiêu dùng trên thế giới đã ưa chuộng hàng Việt nhiều hơn. Các doanh nghiệp đầu tư xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến có sự chú ý hơn đến đầu tư phát triển thương hiệu. Nhờ vậy, người tiêu dùng trên thế giới cũng có cơ hội tiếp cận trực tiếp với hàng Việt đang bày bán tại hệ thống phân phối ngoại và vị thế hàng Việt cũng vì vậy được nâng lên đáng kể.

Ở chiều ngược lại, thị trường trong nước cũng đang mở ra rất nhiều cơ hội để hàng Việt chiếm lại lợi thế phủ sóng thị trường. Nghiên cứu của Công ty Tư vấn kinh doanh The Blue Ocean chỉ ra rằng, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 đến nay đã làm thay đổi đáng kể xu hướng người tiêu dùng. Tại Việt Nam, có đến 76% người tiêu dùng được khảo sát cho biết ưu tiên sử dụng hàng trong nước, đặc biệt với những sản phẩm có thương hiệu lâu đời và người dân dễ dàng truy xuất nguồn gốc.

Ngành thực phẩm: Cơ hội rộng mở ảnh 1 Sản phẩm sữa của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính trên thế giới
Doanh nghiệp chủ động thay đổi tư duy

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, nhấn mạnh, ngành sản xuất lương thực thực phẩm luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và còn nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Việt Nam đang dần trở thành nguồn cung quan trọng, phong phú các sản phẩm nông sản, thực phẩm cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, trong năm 2021, cú sốc của Covid-19 ít nhiều sẽ còn tiếp diễn, gây xáo trộn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như chuỗi cung ứng nguyên liệu bị “đứt gãy”, hoạt động logistics, vận tải hàng hóa bị đình trệ, ùn tắc tại các cảng, hàng hóa và dòng vốn đều thiếu hụt hoặc dồn ứ tại kho… Xu hướng của người tiêu dùng sẽ dịch chuyển theo hướng ưu tiên lựa chọn sản phẩm nâng cao sức khỏe, thực phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch, các thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ, thực phẩm sạch và lành mạnh... Thực tế này sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp cần có chiến lược thay đổi và ứng phó thích hợp.

Đứng trước khó khăn có thể phát sinh, các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm trong nước chủ động thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới bằng cách đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, chú trọng chất lượng và mẫu mã sản phẩm để chinh phục thị trường thế giới, đồng thời giữ vững thị phần nội địa.

“Phía Bộ Công thương sẽ trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại, phối hợp với các ngành hàng để hướng dẫn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, kim ngạch và thị phần xuất khẩu của ngành hàng, từng bước khẳng định vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, mục tiêu trong năm 2021 sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức 5%-10% cho nhóm mặt hàng chủ lực”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương, khẳng định.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, kiến nghị, Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan cần sớm giải ngân các gói tài chính hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy nhanh thủ tục hướng dẫn hỗ trợ miễn thuế, giảm thuế, khoanh nợ, giãn nợ… cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp khôi phục năng lực sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng và phát triển sau một năm chật vật với dịch bệnh. Riêng với sản phẩm chủ lực xuất khẩu, chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu quốc gia cần triển khai nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đây cũng là cơ hội để tạo sức bật cho doanh nghiệp tham gia sâu vào thị trường xuất khẩu, nhất là trong khoảng “thời gian vàng” mà FTA mang lại.

Tin cùng chuyên mục