Ngành thép liên tục bị điều tra, kiện phòng vệ thương mại

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) vừa ra thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Việt Nam và Indonesia. 

Theo đó, hàng hóa bị điều tra là thép không gỉ cán nguội dạng cuộn, tấm hoặc hình dạng khác. Cụ thể, thông báo từ MITI nêu rõ, cơ quan này sẽ gửi bản câu hỏi điều tra tới các bên liên quan, bao gồm các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra của Việt Nam. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam khiến nhiều quốc gia chú ý và điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Trước đó, ngành thép Việt Nam đã bị nhiều thị trường khởi xướng kiện phòng vệ thương mại. Những vụ kiện này hầu hết đến từ các thị trường trụ cột trong xuất khẩu thép của Việt Nam như Mỹ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN và thậm chí cả Liên minh kinh tế Á - Âu…

Chỉ tính riêng 2 tháng gần đây, Ủy ban về phá giá và trợ cấp Thái Lan đã quyết định áp thuế chống bán phá giá từ 6,97%-51,61% (giá CIF) đối với các sản phẩm ống dẫn bằng sắt hoặc thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam (bao gồm 169 mã HS), nhằm ngăn chặn đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa. Hay trước đó, MITI cũng khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép mạ (tôn mạ) có xuất xứ từ Việt Nam. Biên độ bán phá giá cáo buộc đối với Việt Nam lên tới 39,27%. Cùng thời điểm, cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) ra thông báo kết luận sơ bộ và áp thuế tạm thời đối với thép chống ăn mòn của Việt Nam. Điều tra cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá sản phẩm thép nói trên sang thị trường Canada với biên độ từ 36,3%-91,8%. Tương tự, Ủy ban chống bán phá giá Australia (ADC) khởi xướng điều tra chống bán phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm ống, ống dẫn bằng thép có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Trung tuần tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ cũng khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với sản phẩm thép tấm không gỉ, nhập khẩu từ Việt Nam. 

Theo Cục Phòng vệ thương mại, trong số 22 vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế gần đây, gian lận xuất xứ, sản phẩm thép bị khởi kiện nhiều nhất với 6 vụ, chiếm tỷ lệ 30%. Đa số các vụ việc điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép đều do Mỹ tiến hành, trong đó, riêng với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS), Mỹ đã điều tra tổng cộng 5 vụ. Đáng chú ý, trong tất cả các vụ việc điều tra, Mỹ đều kết luận thép CORE và CRS của Việt Nam được sản xuất bằng nguyên liệu nhập khẩu từ các nước/vùng lãnh thổ đang lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ đang áp dụng. Mức độ đầu tư, chuyển đổi trong quá trình sản xuất sản phẩm thép này tại Việt Nam là không đáng kể.

Tin cùng chuyên mục