Ngành sữa chưa lo cạnh tranh với hàng ngoại

Dù chúng ta đang nhập khẩu phần lớn các sản phẩm sữa từ thị trường châu Âu song theo giới kinh doanh, kể cả khi khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực thì cạnh tranh ngành sữa vẫn chưa đáng lo; thậm chí doanh nghiệp sữa nội còn được gia tăng sức cạnh tranh và người tiêu dùng hưởng lợi khi được sử dụng sản phẩm chất lượng cao hơn. 
Sữa Việt không quá lo ngại trước sự cạnh tranh của sữa nhập khẩu từ châu Âu
Sữa Việt không quá lo ngại trước sự cạnh tranh của sữa nhập khẩu từ châu Âu

Lo sữa ngoại “đổ bộ”

 Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 215 triệu USD các sản phẩm sữa từ châu Âu, chủ yếu từ các nước Ireland, Germany, Netherland, France and Poland. Sản phẩm Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là sữa gầy (skimmend milk powder), bột whey, bơ, pho mát. Bộ Công thương cho biết, trước khi EVFTA chính thức được thực thi, sữa nhập khẩu từ châu Âu chịu thuế suất 5% - 15%. Nhưng kể từ đầu tháng 8-2020, mức thuế sữa nhập khẩu từ thị trường này vào Việt Nam sẽ giảm còn 3,5% rồi đến 0% theo lộ trình 3 năm. Chính điều này đã dấy lên mối lo ngại về việc cạnh tranh giữa sữa nhập khẩu và sữa sản xuất trong nước. 

Nguyên nhân được giới phân tích chỉ ra, do sữa là một trong những ngành nông nghiệp phát triển nhất ở châu Âu, hàng năm sản lượng sữa từ châu Âu chiếm khoảng 20% tổng sản lượng sữa trên thế giới. Về thị phần xuất khẩu, châu Âu dẫn đầu với 29%, tiếp theo là New Zealand với 26,5%. Chưa kể, thị trường này còn đang áp dụng triệt để các biện pháp bảo hộ, cũng như hàng rào thuế quan và phi thuế quan để bảo vệ ngành sữa trong nước. 

Trong khi đó, chi phí sản xuất sữa bò ở Việt Nam hiện được nhận định là cao hơn EU, cùng với năng suất trung bình thấp khiến lợi thế sản xuất sữa của Việt Nam thấp hơn EU. Trước những lợi thế như vậy thì việc một số mặt hàng thực phẩm châu Âu thừa sức chiếm thế thượng phong so với doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam là khó tránh khỏi.

Người tiêu dùng hưởng lợi

 Dù làn sóng sữa ngoại được cho là có thể đổ bộ nhưng theo phân tích của giới kinh doanh, sức ép cạnh tranh sẽ là động lực để ngành sữa trong nước cải tiến công nghệ nhằm cho ra mắt những sản phẩm có chất lượng ngang ngửa thực phẩm châu Âu; đồng thời có giá cả hợp lý để đủ sức cạnh tranh trên “sân nhà”. 

Có thể kể tới những tên tuổi như Vinamilk, TH Truemilk, NutiFood… đều đã có những bước đi chiến lược trong đầu tư công nghệ, liên kết hợp tác và liên tục cho ra mắt sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt. Đơn cử, Vinamilk hiện đang nhập khẩu nguyên vật liệu khoảng 10% từ châu Âu, bao gồm bột sữa gầy và bột sữa chưa tách béo. Thuế nhập khẩu các mặt hàng này trước EVFTA là 5%, từ 1-8-2020 được giảm xuống 2,2% và giảm dần về 0% sau năm 2022. Như vậy, thuế suất giảm sẽ giúp Vinamilk gia tăng thêm sức cạnh tranh cho các sản phẩm sữa về giá. Bên cạnh đó, Vinamilk đã chuẩn bị nhiều năm để thích ứng với việc thị trường sửa được mở cửa. Cụ thể là tung những sản phẩm cao cấp để cạnh tranh với sữa nhập khẩu từ châu Âu. Ví dụ như Vinamilk đã có sữa tươi organic, hoặc chủ động nhập khẩu các sản phẩm sữa tươi từ châu Âu (thông qua công ty con ở Ba Lan). 

Tương tự, Nutifoods cũng đã có những chiến lược thích hợp để cạnh tranh với sữa ngoại. Theo đó, sau khi tiếp quản trang trại bò sữa từ Hoàng Anh Gia Lai, NutiFood đã quyết định cải tạo lại toàn bộ từ quy trình chăn nuôi, con giống, khai thác, chế độ chăm sóc... nhằm nâng cao chất lượng sữa. Ngay khi EVFTA có hiệu lực cũng là thời điểm NutiFood công bố thành quả ấn tượng khi cho ra nguồn sữa tươi chất lượng cao vượt trội với 3,5g đạm và 4g béo trong 100ml, tương đương chất lượng sữa tươi ngoại nhập.
Với phần đông người tiêu dùng Việt thì những năm gần đây sữa nội đã có sự cải thiện rõ rệt cả về chất lượng lẫn giá cả. Chị Nguyễn Ngọc Nga (quận Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ, nhà chị có 2 con nhỏ nhưng cả hai đều dùng sữa nội. Theo chị Nga, chị chọn sữa nội vì giá thành cạnh tranh nhưng chất lượng không kém sữa ngoại. Giống như chị Nga, chị Hồ Mai Thy (quận 7, TPHCM) cho biết, lâu nay chị thường chọn các sản phẩm sữa tươi organic nội cho gia đình. Chị Thy nhận thấy sản phẩm trong nước gần đây đã có sự thay đổi không chỉ về chất lượng, giá cả mà mẫu mã cũng ngày càng đẹp hơn. “Với làn sóng đổ bộ của sữa ngoại trong thời gian tới, tôi hy vọng sữa nội sẽ ngày càng cải tiến hơn, mang đến những sản phẩm đạt chuẩn cao hơn cho người tiêu dùng”, chị Thy chia sẻ.

Đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, cạnh tranh các sản phẩm nhập khẩu từ EU sẽ gia tăng mạnh nhất ở phân khúc bột whey, bơ, pho mát, khi thuế nhập khẩu đang ở mức 10%-20% và sẽ giảm dần về 0%. Tuy nhiên, do tập quán ăn uống của người Việt Nam, thị trường các sản phẩm này còn rất nhỏ và đây không phải là nhóm các sản phẩm mà các doanh nghiệp sữa nội địa tập trung khai thác hiện tại. Ngoài ra, các doanh nghiệp sữa trong nước cũng không nên quá lo lắng, vì hiện tại sản phẩm sữa của Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu sang các thị trường khác. Điển hình như Vinamilk, TH True milk đã có những lô hàng sữa đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. 

Tin cùng chuyên mục