Ngành mía đường ASEAN hội nhập: “Thế giới chưa phẳng”

Từ ngày 1-1-2020, khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, tạo ra ‘‘thế giới phẳng’’ với mặt hàng đường, ngành mía đường trong nước chịu sức ép rất lớn khi đường các nước trong ASEAN được nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế từ 0-5% với lượng lớn. 

Mới đây, Bộ Công thương áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan (Quyết định số 477/QĐ-BCT ngày 9-2-2021).

Ngành mía đường ASEAN hội nhập: “Thế giới chưa phẳng” ảnh 1 Trồng mía nguyên liệu của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC)

Cơ quan của Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu về chính sách phát triển các ngành cây hàng hóa, tập trung vào khía cạnh bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội trên phạm vi toàn cầu (Forest Trends) phối hợp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam  (VSSA) vừa có cuộc nghiên cứu về ngành mía đường ASEAN, bao gồm Việt Nam. Theo đó, ATIGA được ký tháng 2-2009, có hiệu lực từ 17-5-2010. Cam kết của Việt Nam, từ 1-1-2020, mặt hàng đường, cơ bản bỏ hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa được sản xuất trong khu vực với mức thuế nhập khẩu 5% thay vì 25% của WTO.

ASEAN có 4 quốc gia sản xuất mía đường chính là Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam, trong đó, 3 quốc gia thực hiện cam kết ATIGA từ năm 2010 và 2015. Riêng Việt Nam bắt đầu từ 1-1-2020.

Theo Forest Trends, mới hơn 14 tháng Việt Nam thực hiện cam kết nhưng phơi bày thực trạng là các quốc gia trồng mía còn lại trong khối ASEAN không mở cửa thị trường đường như tinh thần của thương mại tự do trong khối, khi vẫn áp dụng những biện pháp khác nhau để bảo vệ thị trường đường của mỗi nước.

Mía nguyên liệu được vận chuyển đến nhà máy chế biến đường


Indonesia - Quy định giá bán tối thiểu đường và giá mua tối thiểu mía

Là quốc gia nhập khẩu đường lớn thứ 2 tại châu Á (chỉ sau Trung Quốc), với 80% đường nhập khẩu từ Thái Lan, nhưng Indonesia vẫn giữ giá đường nội địa ở mức cao nhằm bảo đảm thu nhập cho người trồng mía. Giá đường bán lẻ khu vực Jakarta niên vụ 2019-2020 được Bộ Thương mại Indonesia công bố từ 12.419 – 15.925 Rupiah (tương đương từ 19.716 – 25.161 đồng/kg). Với cơ chế chia sẻ lợi nhuận, do nhà nước quy định, phần của nông dân là 66% trong giá bán đường, nhiều năm nay giá mua mía của nông dân luôn ổn định từ 52-70 USD/tấn.

Thực hiện cam kết ATIGA từ 2015, Chính phủ Indonesia vẫn bảo vệ ngành đường trong nước bằng các giải pháp: Quy định giá mua mía tối thiểu, được Chính phủ thiết lập trên cơ sở bảo đảm người nông dân trồng mía có thể sống được bằng cách tính giá thành trồng mía cộng thêm 10%. Hệ thống trợ cấp cho nông dân gồm: Trợ giá mua phân bón và nông dân được vay lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thương mại.

Hàng năm, Hội đồng Đường Indonesia và Chính phủ quy định giá bán tối thiểu đường trắng tiêu thụ trực tiếp. Như vậy, là nước thực hiện cam kết ATIGA từ 2015, dù ngành mía manh mún, nhỏ lẻ, trình độ chế biến đường khá lạc hậu nhưng nông dân và ngành đường Indonesia vẫn được bảo vệ khỏi tác động từ đường giá rẻ của nước ngoài, đặc biệt từ Thái Lan. Đến nay, diện tích trồng mía của Indonesia vẫn ổn định, nông dân không quay lưng với cây mía; nhà máy (dù công suất nhỏ và lạc hậu) vẫn không đóng cửa.

Philippines - Luật  Phát triển mía đường

Tương tự, Philippines thực hiện cam kết ATIGA từ năm 2015. Cũng năm này Philippines thông qua Luật Phát triển mía đường (Sugarcane Industry Development Act) và quy định nhà nước hỗ trợ ngân sách 1,4 tỷ Peso/năm (tương đương 28 triệu USD) cho các chương trình phát triển mía đường.

Từ năm 1952, Philippines đã có Luật Mía đường quy định hệ thống chia sẻ thu nhập giữa nông dân, nhà máy theo tỷ lệ nông dân tối đa 70%, nhà máy tối thiểu 30%.

Với chính sách của Philippines, đường có nguồn gốc ASEAN được tự do nhập khẩu, nhưng phải đưa vào kho, chỉ được đưa ra tiêu thụ theo sự điều phối của Cơ quan Quản lý Đường SRA.

Với những biện pháp như trên, dù thực hiện cam kết ATIGA nhưng Philippines vẫn duy trì giá đường nội địa ở mức đủ đảm bảo thu nhập cho nông dân trồng mía. Giá đường luyện bán sỉ khu vực Metro Manila niên vụ 2019-2020 từ 0,84 - 0,9 USD/kg (tương đương với giá 20.324 - 21.419 đồng/kg). Với cơ chế chia sẻ lợi nhuận 70/30 được quy định bởi Luật Mía đường, ước tính giá mua mía của nông dân Philippines vụ 2019-2020 dao động từ 885.000– 987.000 đồng/tấn.

Cùng với các giải pháp hỗ trợ gián tiếp thông qua chương trình cồn nhiên liệu và điện bã mía, sau 5 năm thực hiện cam kết ATIGA, diện tích mía và nhà máy của ngành đường Philippines hầu như không đổi.

Đường chế biến được bảo quản tại kho

Thái Lan - giá đường xuất khẩu 334 USD/tấn, nội địa 755 USD/tấn

Với Thái Lan, để bảo đảm thu nhập cho nông dân trồng mía và hỗ trợ ngành đường, bất chấp việc khắc phục khiếu nại của Brazil lên WTO về việc trợ cấp ngành đường không phù hợp với các quy tắc của WTO chưa giải quyết xong, ngày 21-4-2020 Chính phủ Thái Lan vẫn trực tiếp trợ cấp bằng cách ra nghị quyết phê duyệt dự án tài chính hỗ trợ cho nông dân trồng mía mua tư liệu sản xuất phục vụ niên vụ 2019-2020. Tổng quỹ ngân sách dành cho dự án là hơn 10,2 tỷ Baht (tương đương 325 triệu USD) từ đề xuất của Bộ Công nghiệp Thái Lan, Chính phủ Thái Lan tiếp tục quy định giá trần là 23,5 Bath/kg (tương đương 17.695 đồng/kg, khoảng 755 USD/tấn) trên thị trường nội địa.

Trong khi đó, số liệu của Tổng Cục Hải quan, đường nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan năm 2020, giá xuất khẩu bình quân đường thô và luyện chỉ có 334 USD/tấn. Giá bán đường xuất khẩu nêu trên không chỉ cao hơn giá đường bán ở nội địa Thái Lan mà còn thấp hơn cả chi phí mía trong đường (niên vụ 2019-2020 chỉ tiêu chế biến của ngành đường Thái Lan là 9,13 mía/đường – chi phí mía trong đường là 410 USD/tấn).

Điều này làm rõ hơn tính chất phá giá của đường Thái Lan khi tràn vào Việt Nam. Mặc dù là một quốc gia trong ASEAN thực thi ATIGA từ 2010, nhưng nghị quyết của chính phủ Thái Lan vào tháng 3-2020 cho thấy bằng chứng về việc đường bị cấm nhập khẩu vào Thái Lan, có nghĩa là không có chuyện thương mại tự do trong lĩnh vực đường suốt những năm qua.

Những diễn biến vụ sản xuất mía đường 2019-2020 của Thái Lan cho thấy khía cạnh “chưa phẳng” của hội nhập ngành đường khu vực ASEAN. Vì vậy, việc Bộ Công thương Việt Nam áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan là phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO đối với ngành đường. Hành động này càng có ý nghĩa trong bối cảnh các nước trong khối ASEAN đang áp dụng các biện pháp không chính thống.

Ngành mía đường Việt Nam chịu sức ép lớn khi một lượng đường kỷ lục (1,08 triệu tấn) tràn vào Việt Nam ngay năm đầu tiên ATIGA có hiệu lực. Lớn hơn lượng đường sản xuất trong nước. Từ 40 nhà máy đường trong vụ 2015-2016, đến vụ 2019-2020 còn 29 nhà máy đường hoạt động. Đến vụ 2020-2021, có thêm 4 nhà máy đường nữa dừng hoạt động (Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong).

Theo Forest Trends và VSSA, so với các nước trồng mía chính trong ASEAN: Trình độ chế biến của Việt Nam cao hơn Philippines, Indonesia. Việt Nam tương đương các nước về trình độ trồng mía. Trong cùng điều kiện thời tiết khô hạn, Việt Nam có năng suất cao hơn Thái Lan - quốc gia dẫn đầu về năng suất mía trong khu vực. Một số nơi trồng mía ở Việt Nam có mô hình sản xuất hàng đầu trong ngành mía đường thế giới với năng suất >10 tấn đường/ha như Cù lao Dung (Sóc Trăng), Câu lạc bộ 200 tấn vùng Phụng Hiệp (Hậu Giang).

Tin cùng chuyên mục