Ngành giáo dục đã vận động được hơn 108 tỷ đồng, trên 12.000 máy tính bảng cho học sinh

Sau 1 tháng triển khai Chương trình “Máy tính cho em” trên toàn quốc, đến nay, có 52/63 Sở GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục tỉnh, thành đã huy động được trên 36 tỷ đồng do cán bộ nhà giáo, người lao động tham gia ủng hộ; gần 46 tỷ đồng huy động được từ các nguồn hỗ trợ khác; 12.550 máy tính và máy tính bảng.
Bộ GD-ĐT tiếp nhận tài trợ (lần thứ nhất) chương trình “Máy tính cho em”
Bộ GD-ĐT tiếp nhận tài trợ (lần thứ nhất) chương trình “Máy tính cho em”

Ngày 15-10, Bộ GD-ĐT, Công đoàn giáo dục Việt Nam (GDVN) đã tổ chức lễ tiếp nhận tài trợ (lần thứ nhất) chương trình “Máy tính cho em”. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hàng triệu học sinh, sinh viên không thể đến trường nên chuyển sang dạy và học trực tuyến. Vì điều kiện kinh tế, nhiều gia đình học sinh còn khó khăn, thiếu phương tiện học tập trực tuyến thiết yếu như: máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh… Do đó, ngày 12-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động Chương trình “Sóng và Máy tính cho em” trên toàn quốc. Bộ GD-ĐT, Công đoàn GDVN cũng đã phát động Chương trình quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành giáo dục và đào tạo ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến, trước mắt ưu tiên các địa phương khó khăn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Theo Bộ GD-ĐT, sau 1 tháng triển khai Chương trình “Máy tính cho em” trên toàn quốc, đến nay, có 52/63 Sở GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục tỉnh, thành đã huy động được trên 36 tỷ đồng do cán bộ nhà giáo, người lao động tham gia ủng hộ; gần 46 tỷ đồng huy động được từ các nguồn hỗ trợ khác; 12.550 máy tính và máy tính bảng; 16.234 điện thoại thông minh và 74.559 thiết bị hỗ trợ học tập khác. Bên cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các đơn vị trực thuộc ngành, đóng góp về tài khoản Công đoàn Giáo dục Việt Nam trên 7 tỷ đồng. 

Một số Sở GD-ĐT và Công đoàn Giáo dục tỉnh, thành phố đã triển khai cuộc vận động một cách hiệu quả như: Đồng Tháp (hơn 4 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (gần 4 tỷ đồng), Bến Tre (2,5 tỷ đồng), Tây Ninh (1,6 tỷ đồng), Ninh Thuận (1,25 tỷ đồng), Đắk Lắk (1,25 tỷ đồng), An Giang (1,15 tỷ đồng)…

Các trường đại học, cao đẳng sư phạm, đơn vị triển khai hiệu quả cuộc vận động như: ĐH Thái Nguyên (1 tỷ 80 triệu đồng); ĐH Quốc gia Hà Nội (1 tỷ đồng); Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (500 triệu đồng); Viện KHGD VN (342 triệu đồng); ĐH Đà Nẵng (350 triệu đồng); Trường ĐH Tài chính – Maketing (200 triệu đồng)…

Như vậy, tổng cộng sau hơn 1 tháng phát động, số lượng quyên góp được đã lên đến hơn 108 tỷ đồng, trên 12.000 máy tính bảng. Số thiết bị đạt chuẩn sẽ được chuyển trực tiếp đến 3 đối tượng là con hộ nghèo, cận nghèo, học sinh mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số còn lại chuyển cho các em học sinh khó khăn khác.

Ngành giáo dục đã vận động được hơn 108 tỷ đồng, trên 12.000 máy tính bảng cho học sinh ảnh 1 Ngành giáo dục đã vận động được hơn 108 tỷ đồng, trên 12.000 máy tính bảng cho học sinh 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, trọng trách của ngành giáo dục với việc vận động các thầy cô, cán bộ quản lý, các nhà tài trợ ủng hộ, đóng góp 200.000 máy tính là không dễ dàng do ngành giáo dục và các thầy cô cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Nhưng vượt qua khó khăn, các thầy cô sẽ chung sức cùng địa phương, tích cực tham gia chương trình, quyên góp máy tính để giúp các em học sinh có thiết bị học tập.

Hiện nay, chương trình vẫn đang triển khai ở các tỉnh thành, các trường đại học trong cả nước.

Ngay sau lễ tiếp nhận, toàn bộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến đã được Ban tiếp nhận, điều phối của chương trình phân bổ nhanh chóng, hiệu quả về các địa phương, đến các học sinh theo đúng đối tượng ưu tiên đã nêu trong chương trình.

Tin cùng chuyên mục