Ngành điều và “chiếc van” điều tiết

Những diễn biến thời gian gần đây cho thấy, ngành điều đang dần vượt được qua giai đoạn ảm đạm nhất. Đó là giá điều nhân nhích lên; thay vì tranh nhau mua nguyên liệu, các doanh nghiệp đã liên kết, tập trung phân tích, gắn chế biến, kinh doanh với nhu cầu thị trường.

Đó là nhận định của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tại buổi họp mới đây về niên vụ 2019 và dự báo xu hướng thị trường nhân điều thế giới thời gian tới. 

Những tín hiệu tích cực

Ông Trần Văn Hiệp, Phó Chủ tịch, Trưởng ban Xúc tiến thương mại Vinacas, nhận định nhu cầu tiêu thụ điều nhân toàn cầu sẽ tốt hơn những tháng đầu năm, giá cả có thể tăng, nhưng tăng bao nhiêu cần phải tập trung phân tích, đánh giá chứ không được chủ quan.

Các doanh nghiệp cũng cần chú ý khi Mỹ và các nước châu Âu sẽ công bố thêm một số tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, trong đó có dư lượng hóa chất cấm trên điều nhân.

Theo ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch, Trưởng ban Chính sách Vinacas, các doanh nghiệp ngành điều cần có chung tầm nhìn mới có thể tiếp tục tạo ra lợi nhuận, trước mắt là những tháng cuối năm 2019.

Chủ tịch Vinacas, ông Phạm Văn Công đánh giá, là quốc gia nhập khẩu điều thô nhiều nhất, chế biến và xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới trong hơn 10 năm qua và sản phẩm có mặt trên 100 nước, nhưng tính ổn định của ngành điều Việt Nam chưa bền vững, luôn bị tác động từ bên ngoài. Điển hình là năm qua, hàng loạt nhà máy vừa và nhỏ phải đóng cửa, sáp nhập...

Vì vậy, ông đánh giá cao Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long (thành viên của T&T goup), một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông sản tham gia vào ngành chế biến điều, với việc mua 220.000 tấn điều thô từ 3 nước châu Phi, trong đó có 176.000 tấn mua của Tanzania; giúp giải toả đáng kể nỗi lo về nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến điều trong nước khi có được nguồn cung ổn định, thay vì phải cạnh tranh nhau để mua điều thô như trước. 

Ngành điều và “chiếc van” điều tiết ảnh 1 Chế biến điều nhân tại một nhà máy ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: THANH HẢI

Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Long Sơn, cho rằng bên cạnh nhu cầu tăng 50% so cùng kỳ từ Trung Quốc, việc Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long mua 176.000 tấn điều từ Chính phủ Tanzania đã giúp “tâm lý” thị trường giá điều nhân vững vàng và đi lên.

“Trước đó chúng tôi chào giá 3,25 USD/pound không thành công, nhưng sau sự kiện Tân Long thì bán được 3,3USD/pound. Rõ ràng việc mua lượng lớn điều thô từ châu Phi của Tập đoàn Tân Long đã góp phần chặn đà giảm giá điều nhân xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều nhà máy điều vừa và nhỏ vẫn đang chào giá không tốt, có thể ảnh hưởng đến giá bán chung của điều nhân Việt Nam trong những tháng tới”, ông Vũ Thái Sơn cảnh báo.

Trong khi đó, ông Cao Thúc Uy, Giám đốc Công ty Điều Cao Phát, thận trọng khi cho rằng, không nên quá kỳ vọng giá sẽ đột biến. Cần tỉnh táo tính toán giá mua điều thô dựa trên giá nhân hiện tại để tránh rủi ro trong tương lai.

Giảm dần bất lợi từ nước ngoài

Ngành điều trong nước chỉ đáp ứng khoảng 25% nguyên liệu điều thô để chế biến của các nhà máy. Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long, cho rằng việc nhập điều thô hầu như lệ thuộc hoàn toàn doanh nghiệp nước ngoài.

Họ mua nguyên liệu điều thô châu Phi và bán cho doanh nghiệp Việt Nam với bảng hợp đồng gần như áp đặt, phương thức thanh toán không có lợi cho doanh nghiệp nội địa như 10% - 15% tiền đặt cọc, khi thanh toán chỉ giữ lại 2% giá trị hợp đồng. Nếu chất lượng không đúng như đã ký (dễ xảy ra) nhưng vì thanh toán 98% nên bị thua thiệt khi tranh chấp. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân Việt Nam hạn chế nguồn lực nên bị nhà nhập khẩu nước ngoài điều tiết.

Những vấn đề này xuất phát từ việc chưa chủ động được nguồn nguyên liệu cho chế biến. Việc lệ thuộc nguồn cung điều thô từ nước ngoài gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam khi bị ép giá, nguyên liệu không ổn định về chất lượng và số lượng, không thể điều tiết được lượng điều nhân xuất khẩu… là điểm yếu lâu nay của ngành điều Việt Nam.

Ông Trương Sỹ Bá khẳng định, tổng sản lượng điều thô thế giới khoảng 3,6 triệu tấn/năm, trong đó Việt Nam nhập khẩu đến 1,6 triệu tấn, cùng với lượng thu hoạch trong nước khoảng 250.000 tấn/năm, chiếm 50% lượng điều thô thế giới trong chế biến. Nếu chủ động được nguồn nguyên liệu thô sẽ giúp Việt Nam điều tiết điều nhân bán ra.

Do vậy, với việc nhập 220.000 tấn điều thô, chúng tôi sẽ quan sát thị trường để điều tiết lượng bán điều thô cho các doanh nghiệp trong nước chế biến, làm sao không để nguồn cung điều thô ngập tràn vào những thời điểm mùa vụ thu hoạch điều thô trong nước, của Campuchia hoặc từ nguồn nhập khác làm ảnh hưởng đến giá điều nhân xuất khẩu.

Ngoài ra, từ đề nghị của ông Trương Sỹ Bá về việc hợp đồng mua điều thô từ các nước nên thanh toán theo hình thức 95/5 (thay vì 98/2 như hiện nay), ông Phạm Văn Công đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn hưởng ứng để tránh rủi ro.

Thay vì phải thanh toán 98% số tiền khi mua điều thô từ doanh nghiệp nước ngoài, số tiền còn lại thanh toán khi lô hàng được giao như thời gian qua, nay chỉ trả trước 95% tiền lô hàng nhằm bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp trong nước trước sự bất ổn về chất lượng điều thô của các nước châu Phi.

Ngoài ra, hợp đồng cần chi tiết, rõ ràng trách nhiệm các bên; nếu xảy ra tranh chấp, phải giải quyết tại tòa án Việt Nam thay vì ở châu Phi. Với diễn biến này, Vinacas kỳ vọng doanh nghiệp trong nước sẽ dần thoát khỏi ảnh hưởng bất lợi từ doanh nghiệp nước ngoài, bởi nếu làm tốt sẽ giúp hình thành “van điều chỉnh” điều thô - nhân cho thị trường thế giới, có lợi cho ngành điều Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục