Ngành dệt may trước thách thức mới

Sự chuyển hóa xanh trong lĩnh vực dệt may với sự tham gia của hàng trăm thương hiệu may mặc trên thế giới đã đặt ngành dệt may Việt Nam trước những thách thức mới. 

Theo đó, để có thể giữ được đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu sản xuất phải là nội địa đồng thời phải chứng minh được trách nhiệm xã hội của mình với cộng đồng.

Thiết lập rào cản mới

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TPHCM, cho biết, tính đến hết tháng 11-2018, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 27,8 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2017. Dự ước, đến cuối năm 2018, mục tiêu đạt 30 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may sẽ đạt được.

Phân tích những yếu tố thuận lợi cho phát triển ngành dệt may trong thời gian tới, bà Mai khẳng định, những kiến nghị nhằm tháo gỡ các khó khăn cho ngành dệt may đã được các bộ ngành, Chính phủ ghi nhận và điều chỉnh nhanh chóng. Cụ thể, cho đến nay đã có nhiều tỉnh thành thành lập riêng khu công nghiệp dành cho hoạt động dệt may.

Trong đó, các khu công nghiệp đã đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải, giúp doanh nghiệp hoàn thiện trách nhiệm bảo vệ môi trường của mình trong quá trình hoạt động sản xuất. Đặc biệt, sự chuyên môn hóa trong hoạt động xử lý chất thải tại các khu công nghiệp cũng đã giúp doanh nghiệp chuyên tâm hơn vào lĩnh vực hoạt động chuyên môn. Về những quy định kiểm tra chuyên ngành liên quan đến chất admin thơm hay formadehyt… đã được gỡ bỏ.

Ngành dệt may trước thách thức mới ảnh 1 Kiểm tra veston trước khi xuất khẩu tại Tổng Công ty may Nhà Bè    
Ảnh: CAO THĂNG
Thời gian thông quan nhờ vậy cũng được rút ngắn đã tạo tác động tích cực cho doanh nghiệp đẩy nhanh khả năng đáp ứng đơn đặt hàng của các đối tác. Kim ngạch xuất khẩu cũng vì thế tăng mạnh.

Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi đạt được, thì trong thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam được dự báo là đứng trước hai thách thức lớn. Những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết đều có rào cản về môi trường, phát triển bền vững, phát triển xanh. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực cải thiện không chỉ về chất lượng sản phẩm mà cả quá trình sản xuất ra sản phẩm.

Trường hợp doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, không áp dụng các giải pháp tiết giảm chất thải, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên… hoàn toàn có nguy cơ bị ngưng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đơn đặt hàng, nhất là với những đơn hàng của các doanh nghiệp may mặc có thương hiệu lớn trên thế giới.

Trên thực tế, phần lớn doanh nghiệp dệt may Việt Nam làm gia công nên phụ thuộc rất lớn vào đơn đặt hàng của các nước trên thế giới. Mặt khác, dây chuyền công nghệ sản xuất khá lạc hậu. Do vậy, cùng với rào cản kỹ thuật mềm về trách nhiệm xã hội với môi trường, sức khoẻ cộng đồng chắc chắn sẽ có những tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng của ngành.

Doanh nghiệp dệt may bắt buộc phải “xanh hóa”

Ông Thomas Mills, đại diện thương hiệu Tommy Hifiger, cho biết, rất nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải thay đổi để phát triển bền vững. Có 3 lý do chính để doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi. Một là đối tác đặt đơn hàng là những thương hiệu may mặc lớn trên thế giới đang chuyển hướng sang ưu tiên đặt đơn hàng cho những doanh nghiệp xanh. Hai là người tiêu dùng sản phẩm trên toàn cầu đã bắt đầu xem xét yếu tố trách nhiệm xã hội với môi trường của doanh nghiệp sản xuất và cuối cùng là thương hiệu sản phẩm may mặc đã có hành động sẵn sàng tham gia mục tiêu giảm thải khí nhà kính.

Trên thực tế, 148 thương hiệu may mặc lớn trên thế giới tham gia sáng kiến sử dụng năng lượng sạch và bắt đầu triển khai vào năm 2022. Về yếu tố khách quan, những thay đổi nguồn cung nước khu vực thượng nguồn sông Mekong cũng đang tác động mạnh đến nhu cầu sử dụng nguồn nước cho ngành dệt may.

Ở phạm vi rộng hơn cho thấy, hơn 50% nhà máy sản xuất điện tại Việt Nam đang sử dụng than đá. Và trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết cắt giảm 8% lượng khí thải đang gây ô nhiễm môi trường, thì giải pháp phát triển xanh là giải pháp duy nhất để doanh nghiệp giảm áp lực an ninh năng lượng, phát triển bền vững.

Ở chiều ngược lại, nếu các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp bắt tay yêu cầu phải được cung ứng, sử dụng năng lượng sạch cũng sẽ tạo những tác động nhất định trong việc buộc doanh nghiệp cung ứng năng lượng sản xuất năng lượng sạch.

Ngành dệt may trước thách thức mới ảnh 2Doanh nghiệp may trong nước phải đáp ứng ngày càng nhiều tiêu chuẩn trong xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, để có thể cải thiện được hiện trạng sản xuất của doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện đại, cần thiết phải có sự hỗ trợ từ Chính phủ và tổ chức tài chính, nhãn hàng dệt may. Theo đó, Chính phủ cần có những chính sách quy định rõ ràng, minh bạch về tiêu chí công nghệ đầu tư đối với ngành dệt may, quy chuẩn môi trường phải đạt phù hợp và tiệm cận với tiêu chuẩn của toàn cầu.

Không dừng lại đó, các cơ quan chức năng liên quan, hiệp hội cần phải xúc tiến làm việc với các tổ chức tài chính nhằm xây dựng những chính sách hỗ trợ vốn đầu tư, công nghệ cho doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, nắm bắt thông tin, tiêu chuẩn “xanh” từ các thương hiệu lớn trên thế giới để cập nhật kịp thời, giúp doanh nghiệp trong nước định hướng chiến lược phát triển và đầu tư sản phẩm dệt may.

Ở góc độ đơn vị quản lý, bà Ngô Thu Hằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết cơ chế chính sách về môi trường đã khá hoàn thiện và đáp ứng tiêu chí toàn cầu. Đơn cử như để xả nước thải từ hoạt động dệt may ra môi trường, doanh nghiệp phải xử lý đảm bảo 10 thông số như COD, BOD, TSS...

Doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn hình thức đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn yêu cầu trước khi thải ra môi trường hoặc xử lý sơ cấp rồi chuyển sang cho chủ đầu tư khu công nghiệp xử lý bước thứ cấp tiếp theo, đảm bảo đạt chuẩn trước khi thải vào môi trường.

Về chính sách hỗ trợ tài chính thì doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý chất thải, tái sử dụng nước thải sẽ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi lên tới 80% chi phí đầu tư. Doanh nghiệp cũng có thể tiếp cập nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ bảo vệ môi trường…

Đồng thuận với quan điểm trên, đại diện Tổ chức bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) cho biết, hiện có rất nhiều dự án hỗ trợ doanh nghiệp dệt may về tài chính để đổi mới công nghệ để giảm tác động ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ, nhãn hàng tập trung vào doanh nghiệp cấp 1, 2 có quy mô đầu tư lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Phần còn lại là doanh nghiệp trong nước cần chủ động nhanh chóng =tiếp cận thông tin cũng như nguồn tài chính hỗ trợ để có sự chuyển đổi kịp thời, đáp ứng yêu cầu mới trong xu hướng sản xuất vào tiêu dùng của lĩnh vực dệt may.

Tin cùng chuyên mục