Ngành da giày trước cơ hội gia tăng xuất khẩu

Ngành da giày đang đứng trước cơ hội gia tăng, mở rộng thị trường xuất khẩu khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được ký kết. Tuy nhiên, để tận dụng tốt thời cơ, ngành này cần khắc phục các điểm yếu cố hữu, nâng cao năng lực cạnh tranh với sự năng động của bản thân các doanh nghiệp (DN), sự đồng hành hỗ trợ từ chính sách và các tổ chức đại diện...

Giữ vững đà tăng trưởng

Theo phân tích của Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) Nguyễn Đức Thuấn, Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt với một số nước trong khối ASEAN cùng sản xuất da giày. Tuy nhiên, dự báo năm 2019, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường chính của ngành da giày vẫn tốt nên ngành sẽ tiếp tục phát triển.

Dự báo của LEFACO là có cơ sở. Bởi dù tháng tết có nhiều ngày nghỉ, nhưng kết quả sản xuất và kinh doanh của ngành da giày trong quý 1-2019 tiếp tục đạt tăng trưởng ở mức 2 con số.

Thống kê cho thấy, sản lượng giày, dép da trong quý 1 ước đạt 62,9 triệu đôi, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu giày, dép các loại ước đạt 3,97 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ.

Theo tính toán của LEFASO, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành da giày năm nay sẽ tăng 11% so với năm 2018, ngành nỗ lực nội địa hóa sản phẩm với tỷ lệ 60%; xuất khẩu da giày sẽ đứng thứ 4 và xuất khẩu túi xách sẽ đứng thứ 10, trong tốp 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế. 

Ngành da giày trước cơ hội gia tăng xuất khẩu ảnh 1           May túi da xuất khẩu tại một đơn vị ở quận 12, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG                                                                                                 
Một trong những thuận lợi và cơ hội cho ngành da giày trong nước thời gian tới là việc Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may và da giày, để tập trung cho các ngành công nghệ cao.

Do đó, các đơn hàng gia công da giày, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, đón cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Đáng chú ý, CPTPP và EVFTA có thể đem lại những cơ hội lớn cho ngành da giày Việt Nam phát triển, giúp các DN giảm chi phí đầu vào, tiếp cận công nghệ mới dễ dàng hơn, tăng năng suất và duy trì thị phần ở Mỹ, EU và Nhật Bản.

Mặt khác, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động đến xuất nhập khẩu trong nước và thúc đẩy đầu tư của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực da giày tăng lên.

Đồng thời, việc xây dựng vùng sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam giúp DN trong nước từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng năng lực cạnh tranh khi tham gia các FTA lớn; nâng cao giá trị gia tăng trong kim ngạch xuất khẩu và cải thiện chất lượng tăng trưởng của ngành.

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Theo các chuyên gia, mặc dù các FTA thế hệ mới nêu trên sẽ mở ra những cơ hội cho DN da giày, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức. Đặc biệt, so với các FTA đã ký và tham gia, quy tắc xuất xứ hàng hóa tại CPTPP có một số điểm mới như: quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; quy tắc xuất xứ hàng tân trang, hàng tái chế tạo; công thức tính hàm lượng giá trị khu vực (RVC); danh mục tiêu chí xuất xứ cho sản phẩm cụ thể (PSR) được quy định chi tiết theo công đoạn sản xuất cụ thể…

Trong khi đó, hiện mức độ ứng dụng công nghệ trong quản lý và sản xuất của ngành da giày trong nước còn thấp, năng suất lao động chỉ bằng 60% - 70% so với DN FDI.

Nhiều DN trong nước chưa tham gia được nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu (do phần lớn chỉ làm gia công), rất ít có trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm, lại thường không tự chủ được nguyên liệu, thiết kế mẫu, chi phí lao động ngày càng tăng cao.

Bên cạnh đó, các DN trong ngành còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức bên ngoài như việc bảo hộ thương mại từ các quốc gia ngày càng tăng cao.  

Về rào cản quy tắc xuất xứ khi tham gia vào CPTPP, theo đánh giá của Tổng thư ký LEFASO Phan Thị Thanh Xuân, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành đã tăng nhanh, hiện đạt ngưỡng 50%.

“Với tỷ lệ này, quy tắc xuất xứ không phải là trở ngại lớn với DN da giày trong nước. Điều đáng lo là DN trong nước sẽ gặp khó khăn trong quản lý sản xuất và thực hành những tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng các rào cản kỹ thuật, thương mại và tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội”, bà Thanh Xuân phân tích và khuyến nghị, CPTPP là sân chơi lớn, buộc các DN tham gia phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Các DN cần sớm tổ chức bộ máy chuyên trách để tìm hiểu kỹ các quy định của CPTPP, chuẩn bị tốt nguồn cung nguyên phụ liệu phù hợp với quy tắc xuất xứ; đầu tư nâng cấp thiết bị, công nghệ, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng của từng nước thành viên; triển khai mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.

Nhà nước cần sớm hoàn tất các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể về lộ trình cắt giảm thuế quan, quy tắc xuất xứ và những điều khoản khác của CPTPP, giúp DN dễ tiếp cận và thực thi theo yêu cầu, nhằm tận dụng tốt các ưu đãi do CPTPP mang lại, tăng giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Tin cùng chuyên mục