Ngành công thương: Nhiều chương trình hỗ trợ sản xuất, kinh doanh

Như thông lệ hàng năm, đầu quý 4-2020, ngành công thương nói chung, doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn thị trường nói riêng lại cấp tập thực hiện hàng loạt chương trình giải phóng nhanh lượng hàng tồn để thu hồi vốn. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ cho mùa mua sắm cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp tới.
Chế biến thực phẩm phục vụ nhu cầu thị trường tại Sagrifood. Ảnh: CAO THĂNG
Chế biến thực phẩm phục vụ nhu cầu thị trường tại Sagrifood. Ảnh: CAO THĂNG

Đảm bảo đủ hàng, không sốt giá

Thông tin tại cuộc họp thường kỳ tháng 9 của Tổ điều hành thị trường trong nước cho thấy, thị trường hàng hóa thế giới trong tháng 9 tiếp tục có nhiều biến động. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia là nguyên nhân chính tác động tiêu cực đến cung cầu, giá cả của nhiều mặt hàng. Giá đồng USD tiếp tục có biến động gây ảnh hưởng đến giá các mặt hàng kim loại quý, kim loại công nghiệp, mặt hàng xuất khẩu được định giá bằng USD.

Ở trong nước, thị trường hàng hóa tháng 9 và 9 tháng đầu năm mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 và tác động từ biến động thị trường thế giới nhưng do có sự điều hành sát sao của Chính phủ, các bộ ngành chức năng nên về cơ bản, cung cầu hàng hóa được đảm bảo, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá nghiêm trọng. Cụ thể, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, đã xảy ra hiện tượng cầu tăng đột biến trong một vài thời điểm ngắn tại một số địa phương có ca mắc trong cộng đồng, gây gián đoạn nguồn cung cục bộ tại một số điểm bán hàng. Bộ Công thương đã kịp thời chỉ đạo các DN, sở công thương các địa phương có sự chuẩn bị hàng hóa và triển khai quyết liệt các giải pháp tăng nguồn cung, đáp ứng đủ nhu cầu; đồng thời phối hợp với cơ quan truyền thông thông tin đầy đủ về nguồn hàng để ổn định tâm lý người dân.

Ông Trần Trí Dũng, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương TPHCM, cho biết: “Từ nay đến cuối năm, sở sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa ngân hàng với DN, giúp DN có cơ hội vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư sản xuất các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, để tạo động lực luân chuyển hàng hóa, giải phóng hàng tồn, thu hồi vốn để tái sản xuất, sở sẽ tổ chức các hội chợ xúc tiến tiêu dùng, các hoạt động khuyến mãi, triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; các hội nghị hội thảo phổ biến, giải đáp về các hiệp định mới ký kết, giúp DN tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, gia tăng xuất khẩu hàng hóa”.

Các DN phân phối đã có phương án dự trữ, vận chuyển và phân phối hàng hóa khi có yêu cầu. Cùng đó, Bộ Công thương xây dựng phương án hỗ trợ, điều phối nguồn hàng thiết yếu liên tỉnh khi cần thiết. Nhờ đó, nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu khá dồi dào. Tại siêu thị, hàng hóa luôn được dự trữ nhiều gấp nhiều lần so với ngày thường, giá cả ổn định trong suốt giai đoạn dịch bệnh.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 9 đạt 441.450 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 3.673.532 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ là một trong những điểm sáng của kinh tế vĩ mô trong 3 quý đầu năm, khi vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiềm chế khá tốt, CPI tháng 9-2020 chỉ tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước. Tính chung, CPI bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 3,85%, so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8%. Trong đó, xuất khẩu đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2%; nhập khẩu đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8%. Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu, đạt mức 16,99 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Đẩy mạnh kết nối sản xuất, kinh doanh

Theo nhận định của Bộ Công thương, tại thời điểm này, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, cộng với dịp lễ tết cuối năm đang đến gần nên dự báo, nhu cầu mua sắm hàng hóa sẽ tăng rất cao. Do đó, các địa phương cần lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cho dịp tết, trong đó không loại trừ khả năng dịch bệnh có thể quay trở lại.

Riêng tại TPHCM, để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngay từ tháng 6-2020, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ để kích cầu tiêu dùng nội địa. Một trong số đó là chương trình “60 ngày vàng khuyến mãi”, với sự tham gia của nhiều DN thực hiện khuyến mãi giảm giá, tặng quà để thu hút khách. Chỉ trong 2 tháng thực hiện từ 1-6 đến 30-7, đã có 1.242 DN đăng ký với 1.745 chương trình, tổng giá trị khuyến mãi hơn 146 tỷ đồng. Chương trình khuyến mãi được thực hiện trên 2 kênh mua sắm truyền thống và thương mại điện tử.

Tiếp đó, UBND TPHCM khai mạc chương trình “Kích cầu tiêu dùng năm 2020” theo hình thức hội chợ kết hợp với kết nối DN sản xuất và phân phối, hội thảo. Chương trình có quy mô 650 gian hàng với 486 DN đến từ 29 tỉnh, thành cả nước tham gia trưng bày, giới thiệu hàng ngàn sản phẩm là đặc sản, sản phẩm chủ lực của nhiều vùng, miền trên cả nước. Bên cạnh việc bán hàng, các DN đã thực hiện kết nối thành công với 172 biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc được ký kết giữa bên cung ứng và bên thu mua hàng hóa.

Mới đây, từ ngày 24-9 đến 27-9, Sở Công thương TPHCM tiếp tục tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa năm 2020” với sự tham gia của hơn 1.000 DN đến từ 43 tỉnh, thành cả nước, tạo điều kiện cho các DN tăng cường gặp gỡ, đàm phán, ký kết các hợp đồng cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, nhằm ổn định nguồn cung, giá cả cho mùa mua sắm cao điểm sắp tới. Việc ký kết các hợp đồng cũng sẽ giúp DN an tâm đầu tư, ứng vốn cho các đối tác sản xuất, đảm bảo hàng hóa cho thị trường TPHCM.

Bên cạnh các chương trình tổ chức trực tiếp tại TPHCM, các DN thành phố cũng tham gia tích cực vào chương trình kết nối trực tuyến do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức, như: Hội nghị giao thương trực tuyến hàng nông sản, thực phẩm với tỉnh Quảng Tây; Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm với tỉnh Vân Nam; Hội nghị giao thương trực tuyến vật liệu xây dựng và đồ nội thất với Quảng Tây; Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm với tỉnh Sơn Đông; Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thủy sản và thực phẩm với DN TP Trùng Khánh; Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm hoa quả Việt Nam - Trung Quốc (Thượng Hải), diễn ra từ 24-9 đến 25-9; Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế nguyên liệu thực phẩm, dược phẩm tự nhiên Việt Nam từ 23-9 đến 25-9…

Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cũng chuyển sang kết nối trực tuyến nhiều chương trình với nhiều chủ đề khác nhau, tạo thêm “sân chơi” cho DN thông qua các group trên Viber và trên website của đơn vị, như: kết nối các DN trong lĩnh vực y tế và dược phẩm; kết nối DN xuất nhập khẩu; kết nối DN lương thực - thực phẩm… đồng thời thông báo các sự kiện quan trọng để DN theo dõi và tham gia trực tuyến. Thế mạnh của các group là DN nào có nhu cầu mua bao nhiêu hàng (nguyên liệu) sẽ lên đó thông báo và ngay lập tức sẽ tìm được đối tác; tương tự, DN cần chào bán gì cũng dễ dàng tìm đối tác. Những hội nghị, kết nối trực tuyến cũng kích thích DN chuyển đổi số trong tiếp cận thị trường thế giới, thúc đẩy thế giới nhanh chóng “phẳng” hơn trong tiến trình hội nhập.

Theo ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt, việc tham gia các chương trình kết nối trực tiếp hoặc trực tuyến đều mang lại những cơ hội nhất định cho DN. Ngoài những hợp đồng ký kết với các hệ thống phân phối, DN còn nắm bắt được nhu cầu của các đối tác, “đối thủ” đang chào bán gì, từ đó DN có định hướng sản xuất phù hợp.

Tin cùng chuyên mục