Ngành bán lẻ châu Á đua trang bị công nghệ

Các biện pháp hạn chế đi lại và phong tỏa trong thời gian dịch Covid-19 đã thúc đẩy người dân toàn cầu mua sắm qua mạng, nhờ đó doanh thu của các hãng thương mại điện tử tăng vọt.
Ngành bán lẻ châu Á đua trang bị công nghệ

Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos cho biết, trong quý 2-2020, lợi nhuận ròng của Amazon ở mức 5,2 tỷ USD, gấp đôi so với năm ngoái. Trong khi Amazon tuyển thêm 175.000 nhân viên, thì ở châu Á, tăng trưởng doanh số của tập đoàn bán lẻ trực tuyến Alibaba trong quý 2 là 34% - mức tăng trưởng chưa từng thấy và tốt hơn mong đợi do tác động của Covid-19. 

Việc bán hàng qua nền tảng công nghệ đã giúp các đại gia bán lẻ tăng doanh thu bất ngờ, bất chấp cuộc khủng hoảng Covid-19. Họ liên tục cải tiến nền tảng thương mại điện tử để đáp ứng tối đa sự tiện lợi cho người tiêu dùng. Đứng trước tình hình này, tại châu Á, hàng trăm ngàn cửa hàng bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ mới khởi nghiệp đang ráo riết chạy đua áp dụng công nghệ. Tại Ấn Độ, công ty bán lẻ StoreKing đã đưa thương mại điện tử đến các bà mẹ và cửa hàng nông thôn. Các bà mẹ không còn phải lội 20km để đến thị trấn mua văn phòng phẩm, dầu gội, xà phòng…Việc mua bán và thanh toán chỉ cần qua chiếc điện thoại. StoreKing còn cung cấp máy tính bảng cho các nhà bán lẻ nhỏ để họ quản lý danh mục hàng hóa và giá cả. 

Các công ty khởi nghiệp đã nhận ra vai trò quan trọng của các nhà bán lẻ đối với các cộng đồng nông thôn và đang giúp hỗ trợ họ về mặt công nghệ. Dữ liệu từ công ty nghiên cứu chiến lược cho thị trường tiêu dùng hàng đầu thế giới Euromonitor International cho thấy, ở các nước như Ấn Độ và Indonesia, hơn 80% hoạt động mua sắm hàng tạp hóa được thực hiện tại các nhà bán lẻ nhỏ. 

Cho nên, Bukalapak -  một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Indonesia - vẫn bám sát chiến lược mở rộng mạng lưới các ki ốt trực tiếp nhỏ lẻ nhưng bắt đầu làm quen với công nghệ. Cũng như Ấn Độ, nơi 70% dân số sống trong khoảng 650.000 ngôi làng, ở Indonesia các hình thức tạp hóa truyền thống tiếp tục phát triển mạnh. Warung Pintar hiện đang đặt các “ki ốt thông minh” bên trong các siêu thị nhỏ phổ biến của Indonesia. Các ki ốt này có wifi truy cập mở để giúp các cửa hàng thu hút các shipper công nghệ và khách hàng. Chủ cửa hàng cũng được cung cấp máy tính bảng và được huấn luyện cách theo dõi doanh số và hàng tồn kho cũng như đặt hàng… từ hệ thống bán buôn lớn.  

Những cửa hàng tạp hóa, doanh nghiệp bán lẻ siêu nhỏ trực tuyến - ngoại tuyến đang trở thành trào lưu. Nó không chỉ là nơi để mọi người thực hiện các giao dịch, mà còn là điểm đến để các thành viên cộng đồng từ các nguồn gốc khác nhau tương tác, khơi dậy ý tưởng và thậm chí là các phong trào.

Tin cùng chuyên mục