Ngăn thảm cảnh đau lòng

Vụ việc cảnh sát Anh ngày 23-10 phát hiện 39 người chết trong thùng container đông lạnh ở gần thủ đô Luân Đôn khiến cả thế giới bàng hoàng mấy ngày qua. Tới thời điểm này, cơ quan chức năng của Anh vẫn đang tiến hành điều tra và xác định danh tính nạn nhân dựa trên khám nghiệm tử thi, thông tin dữ liệu sinh trắc học, di truyền học... Hiện có những nguồn tin cho rằng, trong số những thi thể này có thể có nhiều nạn nhân là người Việt Nam. Trong khi đó, nhiều gia đình ở Hà Tĩnh, Nghệ An đang rất đau khổ, vật vã vì thông tin người thân sang làm việc ở Anh và một số nước châu Âu bỗng bặt vô âm tín đúng vào thời điểm mà cảnh sát Anh công bố vụ việc nêu trên.

Hiện Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan của Anh để làm rõ danh tính, quê quán của các nạn nhân trên. Song, dù 39 người thiệt mạng trên là quốc tịch nước nào đi nữa thì chúng ta đều xót thương, bởi họ đều là những nạn nhân xấu số của bọn tội phạm buôn người xuyên quốc gia đang hoành hành tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trên thực tế, chỉ vì kinh tế gia đình còn khó khăn, cùng sự nhẹ dạ, cả tin, tưởng rằng sẽ được đổi đời tại miền đất hứa, không ít gia đình tại nhiều vùng quê ở nước ta sẵn sàng vay mượn, cầm cố tài sản, nhà cửa để có khoản tiền gần cả tỷ đồng cho con em, người thân của mình đóng cho các đường dây chui đưa người ra nước ngoài làm việc, mà không biết rằng, người thân của họ có thể bị đẩy vào “địa ngục”.

Theo Bộ Công an, từ năm 2016 tới nay, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 900 vụ mua bán người, với hơn 1.180 đối tượng, lừa bán khoảng 2.300 nạn nhân. Trong đó, nhiều đường dây đưa người tới một số quốc gia ở Đông Âu, châu Á và nhiều nhất là Trung Quốc. Thậm chí, nhiều trường hợp sau đó bị bọn buôn người đưa tới quốc gia thứ 3, thứ 4 và biến họ thành nô lệ tình dục, hay cưỡng bức lao động hoặc đi trồng “cỏ” - cần sa - trong các ngôi nhà kín cửa ở châu Âu.

Phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, cấu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia. Bọn tội phạm không chỉ lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu công ăn việc làm và ước mơ được đổi đời của những người dân nghèo, mà chúng còn lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, qua lại biên giới, cùng chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động của nhà nước. Hành vi mua bán người còn được che giấu dưới các hình thức như: học hành, tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi… Minh chứng rõ nhất là thời gian qua, công an Việt Nam đã phát hiện triệt phá nhiều đường dây môi giới, đưa phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc đẻ thuê với giá từ 400 đến 500 triệu đồng. Tinh vi hơn, bọn buôn người còn lợi dụng internet, mạng xã hội, dụ dỗ phụ nữ trẻ và trẻ em gái vào các mối quan hệ hẹn hò trên mạng để đưa họ ra nước ngoài, sau đó biến họ thành nạn nhân của nô lệ tình dục, bị cưỡng bức lao động.

Ngăn chặn những thảm kịch đau lòng do tội phạm mua bán người gây ra đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội; phải tăng cường giáo dục về tội phạm mua bán người, nâng cao nhận thức của cộng đồng về loại tội phạm nguy hiểm này, nhất là với những nhóm người có nguy cơ cao (người ở vùng sâu, xa, nghèo đói…); đấu tranh, rà soát các đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người, đặc biệt tại các tuyến, địa bàn trọng điểm để xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới và quản lý xuất nhập cảnh; hợp tác quốc tế để kịp thời phát hiện, ngăn chặn loại tội phạm này; siết chặt quản lý tuyển dụng lao động và các hình thức tuyển dụng lao động ra nước ngoài làm việc… Trong đó, công tác tuyên truyền đóng vai trò hết sức quan trọng để người dân có thể nhận thức tốt hơn, tránh bị những lời dụ dỗ dẫn đến những hệ lụy, tai nạn đáng tiếc.

Tin cùng chuyên mục