Ngăn sản phẩm nước ngoài “đội lốt” hàng Việt

Trong nửa buổi chiều 6-11, sau khi kết thúc chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn

25 mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị lợi dụng

 Bày tỏ lo ngại tình trạng sản phẩm nước ngoài lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước khác, đại biểu (ĐB) Phương Thị Thanh (Bắc Kạn), ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi về việc này đã được cảnh báo nhưng chậm được phát hiện, xử lý. Trách nhiệm của Bộ trưởng ra sao?

Trả lời về câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) và được hưởng hàng loạt các ưu đãi về thuế, tạo ra lợi thế trong thâm nhập thị trường so với các quốc gia khác. Các FTA đã mang đến cơ hội xuất khẩu, cũng như năng lực cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, các ưu đãi thuế quan, điều kiện thị trường cũng đã làm xuất hiện sản phẩm nước ngoài “đội lốt” xuất xứ hàng hóa của Việt Nam để xuất khẩu đi nước khác. Ví dụ như vụ phát hiện 1,8 triệu tấn nhôm trị giá hơn 4 tỷ USD ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bộ đã biết vụ này, báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan giám sát chặt chẽ.

Để ngăn ngừa gian lận, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan trong quản lý về hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Ông Trần Tuấn Anh cho biết thêm, các biện pháp phòng chống gian lận của chúng ta không chậm trễ và không gây ra những tổn hại ảnh hưởng đến quan hệ chính thức với các đối tác, đặc biệt là với Mỹ. Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, hiện có tới 25 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đi Mỹ và nước khác đang có nguy cơ bị lợi dụng, trong đó có những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao như: điện tử, gỗ dán… Chính vì vậy, bộ đã báo cáo Thủ tướng cho phép xây dựng thông tư cho tạm dừng việc tạm nhập khẩu và xuất khẩu các mặt hàng gỗ dán đi Hoa Kỳ.

Nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu

Trả lời câu hỏi của ĐB Phan Viết Lượng (Bình Phước) về việc xuất khẩu của Việt Nam đang đối mặt với thách thức nào, ông Trần Tuấn Anh cho biết, xuất khẩu của Việt Nam vừa qua tăng trưởng khá cao so với các nước trong khu vực. Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam khoảng 8,4%, còn các nước khác ở mức 1%-3%, thậm chí, nhiều nước tăng trưởng âm.

Để tăng trưởng xuất khẩu bền vững, chia sẻ với quan điểm của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các hiệp định thương mại chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là hàng hóa, nhất là sản phẩm nông nghiệp, phải đảm bảo chất lượng, vượt qua hàng rào kỹ thuật, đáp ứng được những yêu cầu thương mại quốc tế. 

“Chúng tôi cho rằng, điều kiện quan trọng và thách thức lớn nhất cho nền kinh tế trong thực thi các FTA sắp tới không phải liên quan đến xúc tiến thương mại, xử lý tranh chấp thương mại đơn thuần mà phải bắt đầu từ câu chuyện sản xuất”, ông Trần Tuấn Anh nói và cho rằng, các doanh nghiệp không thể chậm trễ mà phải tính đến những yêu cầu rất lớn về đổi mới công nghệ cũng như năng suất lao động.

Bày tỏ sự băn khoăn về việc xuất khẩu của Việt Nam tập trung vào một vài thị trường, tạo ra những rủi ro trong thời gian tới, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị người đứng đầu ngành công thương đưa ra giải pháp cho xuất khẩu thời gian tới.

Phân tích sâu hơn về nội dung này, ông Trần Tuấn Anh cho biết, hiện Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và sản phẩm, hàng hóa đã có mặt ở các nền kinh tế này. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, do vậy, cần đa dạng hóa thị trường. Thời gian qua, Bộ Công thương liên tục đàm phán và đã ký kết với 16 FTA, quan hệ thương mại với 15/20 nền kinh tế lớn nhất. Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, nếu chúng ta không củng cố sản xuất, đáp ứng được các hàng rào kỹ thuật, nhất là khi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang có dấu hiệu phức tạp hơn thì hàng hóa của Việt Nam sẽ rất khó thâm nhập các thị trường.

Vỡ quy hoạch điện mặt trời

Vấn đề điện mặt trời nhận được sự quan tâm của nhiều ĐB như: Lê Thu Hà (Lào Cai), Đôn Tuấn Phong (An Giang), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận).

Theo ĐB Lê Thu Hà, Quy hoạch điện VII có ý nghĩa gì khi quy hoạch năm 2020 là 850MW, đến năm 2030 là 1.200MW nhưng nay đã bị phá vỡ khi công suất hiện tại lên hơn 7.000MW? Hiện có 121 dự án được cấp phép và vẫn có đến 210 dự án đang chờ phê duyệt. Nhìn nhận thực tế này, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, Quy hoạch điện VII đã không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời.

Cũng theo ông Tuấn Anh, Quyết định 11 (về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam) đưa ra mức giá ưu đãi cho điện mặt trời là 9,35 cent/kWh trong 20 năm với dự án vận hành trước 30-6 đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam.

Ông Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận có sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, trạm biến áp tại một số khu vực khiến các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không thể giải tỏa hết công suất, và chỉ vận hành ở mức 30%-40%. Lý do là Nhà nước còn độc quyền trong truyền tải điện, trong khi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này chưa đảm bảo.

ĐB Huỳnh Thanh Cảnh đặt vấn đề: Điểm nghẽn trong phát triển năng lượng tái tạo là thiếu hạ tầng truyền tải. Do vậy nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư chưa được chấp nhận còn những dự án đã đầu tư và đang hoạt động gồm cả điện gió và mặt trời thì bị cắt giảm công suất gây lãng phí nguồn lực và thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. “Bộ trưởng vừa nhận trách nhiệm đối với câu chất vấn. Vậy Bộ trưởng có cơ chế để tư nhân bỏ vốn đầu tư hệ thống truyền tải điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý, vận hành vẫn bảo đảm vai trò quản lý nhà nước theo quy định hiện nay không?”, ĐB Huỳnh Thanh Cảnh đặt câu hỏi. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tồn tại, điểm nghẽn của vấn đề này là câu chuyện đồng bộ, giải tỏa công suất, trong bối cảnh nguồn lực của Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn hạn chế. 

Giải pháp dài hạn là Bộ Công thương sẽ nghiên cứu, tham mưu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa Luật Đầu tư, Luật Điện lực, tạo cơ chế mới, đa dạng hóa, xã hội hóa đầu tư hệ thống truyền tải điện, để từ đó có khai thác nguồn lực này nhưng không mất vai trò độc quyền của Nhà nước. Hướng giải pháp có thể là đầu tư theo hình thức đối tác công tư mà dự thảo luật về đối tác công tư cũng đã có đề cập. Bên cạnh đó, trong xây dựng Quy hoạch điện VIII sắp tới, bộ sẽ rút kinh nghiệm Quy hoạch điện VII để có cơ chế đảm bảo sự phát triển bền vững năng lượng mặt trời, tận dụng các ưu thế của điện mặt trời áp mái; cơ chế cho nhà đầu tư dự án điện bán cho khác hàng…

Trong sáng nay 7-11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh sẽ tiếp tục phần trả lời chất vấn các ĐB.

Tin cùng chuyên mục