Ngăn rủi ro từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ.

Trong đó, dự thảo đã sửa đổi quy định về mục đích phát hành TP nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của DN phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành TP; bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại TP phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư... Việc hoàn thiện hành lang pháp lý là bước đi tiếp sau những chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính về thanh tra, kiểm tra việc phát hành TP của các DN thời gian qua.

Trong số các nguy cơ có thể mang đến rủi ro, đáng lưu ý là việc phát hành TP riêng lẻ của khối DN bất động sản (BĐS). Theo thống kê của Bộ Tài chính, sau 11 tháng, các DN đã phát hành trên 495.000 tỷ đồng TP, trong đó, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%, còn lại là TPDN phát hành ra công chúng. Các tổ chức tín dụng và DN BĐS là những nhà phát hành lớn nhất trên thị trường, chiếm lần lượt 34% và 27,7%. Trong số các TPDN phát hành riêng lẻ, TPDN có tài sản đảm bảo chiếm 50,9%; không tài sản đảm bảo chiếm 49,1%. Đối với nhóm BĐS, trong số hơn 100 DN phát hành TPDN riêng lẻ từ đầu năm đến nay, có 26 DN ghi nhận lỗ. 

Câu chuyện về “bom nợ Evergrande” đã khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu để ý hơn tới tài sản đảm bảo cho TPDN. Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, trong 300 DN phát hành TP riêng lẻ có 207 DN phát hành TP có tài sản đảm bảo. Mặc dù tỷ lệ TP có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của DN. Giá trị các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc biến động mạnh theo diễn biến thị trường. Bên cạnh đó, rủi ro còn có thể đến ở việc tài sản đảm bảo của TP có thể dùng để đảm bảo cho các khoản vay, khoản phát hành TP khác của DN. 

So với phương thức truyền thống là tín dụng từ ngân hàng thương mại, phát hành TP mang lại cho DN nhiều ưu điểm như không cần thế chấp tài sản và được chủ động trong sử dụng số tiền huy động mà không có sự giám sát của ngân hàng. Tuy vậy, việc phát hành TPDN vừa qua có nhiều vấn đề và đòi hỏi cơ quan quản lý giám sát chặt hơn nữa để thị trường phát triển lành mạnh, tránh tăng nhanh, nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục