Ngân hàng lương thực

Theo Báo Jakarta Globe, tính theo Chỉ số An ninh lương thực toàn cầu (GFSI), tình hình an ninh lương thực của Indonesia đáng lo ngại với 59,2/100 điểm vào năm 2021, giảm so với năm 2020 là 61,4 điểm. Mặc dù được công nhận là có đất đai màu mỡ và lượng mưa lớn, nhưng tính bền vững về an ninh lương thực và tính độc lập về lương thực của Indonesia chưa được tốt, chưa kể đến các phức tạp do biến đổi khí hậu gây ra.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính Indonesia đã chuẩn bị ngân sách khoảng 6,32 tỷ USD để ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực tiềm tàng trong năm 2023. Ông Isa Rachmatarwata, Cục trưởng Cục Ngân sách Bộ Tài chính, cho biết, gói ngân sách khổng lồ được sử dụng để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, phòng ngừa những tình huống rủi ro bất ngờ có thể xảy ra giống như cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Ông Isa Rachmatarwata nêu rõ: Trong lĩnh vực an ninh lương thực, chúng tôi đã lập ngân sách khuyến khích tăng cường khả năng tiếp cận và đảm bảo chất lượng thực phẩm cho người dân. Ngân sách sẽ được phân bổ cho Bộ Nông nghiệp, Bộ Các vấn đề Biển và Nghề cá (KKP) và Bộ Công chính và Nhà ở công cộng (PUPR). Bộ Nông nghiệp được giao nhiệm vụ sử dụng các quỹ này để duy trì ổn định sản xuất các mặt hàng lương thực ưu tiên, phát triển đa dạng hóa lương thực địa phương, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cũng như khả năng cạnh tranh và xuất khẩu nông sản. KKP được giao nhiệm vụ thực hiện các chính sách đánh bắt có thể đo lường dựa trên hạn ngạch, phát triển nuôi trồng thủy sản theo định hướng xuất khẩu, tăng cường khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thủy hải sản. Trong khi đó, PUPR được giao nhiệm vụ xây dựng và cải tạo cơ sở hạ tầng thủy lợi và đập. Ngân sách nhà nước được trích một phần để hỗ trợ người nông dân tăng gia sản xuất như trợ cấp phân bón.

Trong nỗ lực khác, Indonesia, quốc gia dự kiến sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2023, đã đề xuất với ASEAN thành lập ngân hàng lương thực toàn khu vực. Bộ trưởng Điều phối kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho rằng ASEAN cần phải có một cơ chế tài trợ cho phép vận chuyển các mặt hàng lương thực cơ bản như gạo từ quốc gia này sang quốc gia khác trong trường hợp khan hiếm lương thực ở một số nơi trong khu vực.

Tin cùng chuyên mục