Ngân hàng lại hẹn chuyện lên sàn

Trừ một số ít NH có lộ trình lên sàn, đa số các NH vẫn tiếp tục hứa hẹn, thậm chí chưa có kế hoạch gì cho việc niêm yết.
HDBank đủ tiêu chuẩn lên sàn nhưng lãnh đạo ngân hàng đang cân nhắc thời điểm thích hợp để niêm yết. Ảnh
HDBank đủ tiêu chuẩn lên sàn nhưng lãnh đạo ngân hàng đang cân nhắc thời điểm thích hợp để niêm yết. Ảnh
Theo quy định tại Thông tư 180/2015 của Bộ Tài chính, chậm nhất cuối năm 2016, các ngân hàng (NH) sau khi cổ phần hóa chưa được niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán (CK), phải thực hiện đăng ký giao dịch CK trên hệ thống giao dịch cho CK chưa niêm yết (UPCoM). Thế nhưng hiện nay, trừ một số ít NH có lộ trình thì đa số các NH vẫn tiếp tục hứa hẹn, thậm chí chưa có kế hoạch gì cho việc niêm yết. Cân nhắc thời điểm Tính đến nay, chỉ mới 10/35 NH thương mại đã lên sàn CK chính thức; trong số 2/3 số NH còn lại chưa lên sàn, mới có một số ít NH niêm yết trên UPCoM. Đó là lý do tại sao trong mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) NH năm 2017, một trong những vấn đề được các cổ đông chất vấn nhiều nhất là lộ trình niêm yết chính thức trên sàn CK của các NH. Tại ĐHCĐ 2017 của Kienlong Bank, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Kienlong Bank, cho biết hiện NH đã được Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cấp giấy chứng nhận đăng ký và cấp mã CK, dự kiến quý 2-2017 sẽ đưa cổ phiếu Kienlong Bank giao dịch trên sàn UPCoM. Và để tăng giá trị sổ sách cổ phần của Kienlong Bank khi lên sàn, NH này quyết định không chia cổ tức. Trả lời chấn vấn tại ĐHCĐ năm 2017 về việc chậm niêm yết cổ phiếu lên sàn trong khi kế hoạch đã được đề cập từ năm trước, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, cho biết hồ sơ niêm yết cổ phiếu đã được gửi lên NH Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán, khi được cơ quan chức năng duyệt, NH sẽ tiến hành niêm yết ngay, dự kiến trong năm 2017. Tại đây, cổ đông của Techcombank cũng đã “chốt” niêm yết tại HOSE (sàn TPHCM). Mặc dù vậy, theo ông Hồ Hùng Anh, sau khi được cơ quan nhà nước chấp thuận, HĐQT sẽ quyết định niêm yết trên sàn nào để có lợi hơn cho cổ đông. Tại ĐHCĐ 2017, các ngân hàng như TPBank, ABBank cũng đặt mục tiêu hoàn tất đăng ký CK tập trung và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM trong năm nay. Các NH khác chỉ cho biết sẽ cân nhắc thời điểm nào thuận lợi nhất, nhằm nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu khi lên sàn.  Trả lời chất vấn của các cổ đông về kế hoạch lên sàn tại ĐHCĐ 2017, lãnh đạo HDBank khẳng định, NH đã đáp ứng đủ chuẩn để được niêm yết tại HOSE, việc niêm yết chắc chắn sẽ làm nhưng cần chuẩn bị kỹ càng về thời điểm để đạt được thành công và thể hiện đúng giá trị NH. Còn theo ban lãnh đạo NamA Bank, trong năm 2016, NH đã có chủ trương niêm yết cổ phiếu trên thị trường CK, nhưng do thị trường diễn biến chưa thuận lợi, cổ phiếu NH chưa thật sự được quan tâm, việc niêm yết cổ phiếu trong thời điểm này khó mang lại sự gia tăng giá trị cho cổ đông nên HĐQT quyết định chưa thực hiện niêm yết. Hay ngại minh bạch thông tin? Rõ ràng, trong bối cảnh các NH tầm trung và nhỏ đứng trước áp lực tăng vốn và đã nhiều lần tăng vốn không thành công thì việc niêm yết cổ phiếu trên sàn được coi là một trong những giải pháp để huy động vốn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều năm qua, cổ phiếu NH không còn là cổ phiếu “nóng”, thậm chí cổ phiếu của nhiều NH đã rớt về dưới mệnh giá trên thị trường phi chính thức, thì việc niêm yết trên sàn CK cũng khó thành công. Từ tháng 1-2017, Maritime Bank đã thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký CK tập trung tại VSD, đăng ký giao dịch trên UPCoM theo quy định để sau ĐHCĐ, các cổ đông sẽ quyết lựa chọn lên sàn nào. Trả lời ý kiến của cổ đông liên quan đến việc thị giá cổ phiếu khá thấp trên thị trường, Ban lãnh đạo Maritime Bank chia sẻ, thị giá cổ phiếu NH chịu sự tác động của tình hình kinh tế và trong năm vừa qua đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Mặc dù giá cổ phiếu Maritime Bank trên OTC (thị trường phi chính thức) còn thấp, nhưng sau khi lên sàn CK mới xác định được giá trị chính thức. Tại ĐHCĐ 2017 của NH này, cổ đông thông qua tất cả các tờ trình nhưng việc đưa cổ phiếu lên sàn đã không được thông qua, với chỉ hơn 3% tán thành.  Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một trong những nguyên nhân khiến các NH còn né việc lên sàn là vì phải minh bạch thông tin. Khi lên sàn, các NH không chỉ chịu sự giám sát từ cơ quan chức năng mà còn chịu sự giám sát của các cổ đông, của khách hàng, nhưng không ít các NH hiện nay nợ xấu vẫn còn cao, gặp khó khăn trong kinh doanh, sức khỏe tài chính có vấn đề, sở hữu chéo… Bên cạnh đó, hiện một số NH vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu chặt chẽ về công khai thông tin nên vẫn chưa thể lên sàn. Về việc này, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cũng cho rằng, việc niêm yết là con đường tất yếu. Quy định việc lên sàn đã có, nhưng hiện các NH vẫn chậm trễ trong quá trình thực hiện niêm yết, cho thấy việc thực thi, giám sát chưa nghiêm minh. Các cơ quan chức năng cần có cơ chế kiểm tra, kiểt soát để giám sát và cần có biện pháp chế tài mạnh để buộc các NH phải thực hiện việc lên sàn. Qua đó, có thể tăng tính thanh khoản của cổ phiếu NH trên thị trường, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Thị trường tài chính Việt Nam cũng kỳ vọng khởi sắc và minh bạch hơn khi các NH lên sàn. 
Theo các chuyên gia trong ngành, việc các NH không muốn giá cổ phiếu của mình dưới mệnh giá khi niêm yết nên phải chọn thời điểm giá cao để lên sàn cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, việc này gây trở ngại cho việc lên sàn vì theo quy định hiện hành, sau khi cổ phần hóa trong vòng 12 tháng, các NH đại chúng bắt buộc phải lên sàn nhằm minh bạch thông tin. Đến nay, mục tiêu từ 1-1-2017, tất cả các NH phải lên sàn CK tập trung đã lỗi hẹn.

Tin cùng chuyên mục