Ngăn dịch từ biên cương

Ở khu vực biên giới Tây Nam, hoạt động nhập cảnh trái phép chủ yếu vào ban đêm, trên địa bàn kênh rạch hay bằng đường biển; còn ở biên giới phía Bắc là đường mòn lối mở. 
6 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bị bắt giữ trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn
6 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bị bắt giữ trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), trong ngày 26-4, lực lượng BĐBP trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã phát hiện, ngăn chặn 67 người nhập cảnh trái phép; tuyến biên giới Việt Nam - Lào phát hiện 6 người; tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia phát hiện 32 người.

Trong tuần trước đó (từ ngày 18 đến 25-4), lực lượng BĐBP đã phát hiện, ngăn chặn và tiếp nhận xử lý tổng số 753 người nhập cảnh trái phép, có những ngày lên tới 134 người. 

Ở khu vực biên giới Tây Nam, hoạt động nhập cảnh trái phép chủ yếu vào ban đêm, trên địa bàn kênh rạch hay bằng đường biển; còn ở biên giới phía Bắc là đường mòn lối mở. Dù lực lượng biên phòng đã chốt chặn, túc trực 24/24 giờ trên toàn tuyến biên giới, nhưng do điều kiện tự nhiên, việc kiểm soát chặt chẽ là hết sức khó khăn, phải nhờ vào tai mắt của nhân dân.

Theo quy định của pháp luật hiện hành (điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP), hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định chỉ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Ngoài ra, trường hợp người nước ngoài có hành vi nhập cảnh trái phép thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi Việt Nam (theo khoản 9 Điều 17 Nghị định 167).

Điều 347 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào nhập cảnh trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì phạm tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh.

Theo đó, mức phạt với tội này là phạt tiền từ 5-50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Như vậy, tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh tại Điều 347 chỉ áp dụng khi người thực hiện hành vi vi phạm đã từng bị phạt hành chính, nếu là lần đầu thực hiện thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi tổ chức hoặc môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép thì bị phạt tù từ 1-5 năm.

đầu năm đến nay, các ngành chức năng đã khởi tố một số trường hợp liên quan đến hành vi này, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra thường xuyên. Câu hỏi đặt ra là phải chăng vì nhập cảnh trái phép (lần đầu) chỉ bị xử phạt hành chính nên các đối tượng xem thường và có tâm lý sẵn sàng vi phạm? Bên cạnh đó, dù có nhiều nỗ lực, nhưng đâu đó vẫn có sự chủ quan, lơ là về phòng chống dịch của lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương ở khu vực biên giới.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở các quốc gia láng giềng và trong khu vực đang diễn biến phức tạp, những người nhập cảnh trái phép, trốn tránh cách ly là nguồn lây nhiễm nguy cơ cao, có thể phá vỡ các nỗ lực phòng chống dịch mà cả nước đang rất cố gắng.
Để giữ vững thành quả chống dịch Covid-19, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, rất cần sự quyết liệt từ các cấp, sự bền lòng của lực lượng chốt chặn và người dân tại các đường biên giới; kiên quyết xử lý thật nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Tin cùng chuyên mục