Ngăn chặn xuất nhập khẩu có dấu hiệu bất thường

Tối 23-8, Văn phòng Bộ Công thương thông tin cho báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký chỉ thị số 10 ngày 23-8 yêu cầu quan tâm, theo dõi và có giải pháp kiểm soát tình trạng xuất nhập khẩu hàng hóa có những dấu hiệu bất thường. 

Cụ thể, ngày 23-18, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành chỉ thị số 10 yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội và cơ quan chức năng trực thuộc bộ này tăng cường quản lý hoạt động xuất nhập khẩu một số mặt hàng để hỗ trợ hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19.

Từ đầu năm đến ngày 15-8, Việt Nam nhập siêu tới 3,88 tỷ USD

Theo chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công thương, trong thời gian qua, đã xuất hiện một số dấu hiệu cần phải quan tâm theo dõi, vì có tình trạng một số mặt hàng nhập khẩu về tăng rất mạnh, trong khi những mặt hàng này trong nước có khả năng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa (như xăng dầu, than đá, gạo).

Ngược lại, một số mặt hàng trong nước có nhu cầu lớn nhưng lại được xuất khẩu nhiều, làm ảnh hưởng tới cán cân cung cầu và mặt bằng giá cả trong nước (như sắt thép, phân bón).

Vì vậy, tại chỉ thị số 10, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu Hiệp hội Thép Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sắt thép, quặng sắt tăng công suất sản xuất thép, hạ giá thành, chi phí để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm trong nước đang có nhu cầu cao.

Yêu cầu Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam và các tập đoàn, doanh nghiệp khai thác, sản xuất, xuất khẩu than, phân bón ưu tiên nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa.

Đồng thời, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cùng các thương nhân đầu mối cần ưu tiên sử dụng nguồn hàng trong nước thay thế cho nguồn hàng nhập khẩu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu rà soát cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu và công tác quản lý nhập khẩu mặt hàng gạo, đường. Tương tự, Cục Hóa chất phải rà soát cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu và kiến nghị giải pháp quản lý xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng phân bón.

Yêu cầu Vụ Thị trường trong nước chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước để bảo đảm cân đối cung cầu và bảo đảm nguồn cung xăng dầu tại các điểm bán lẻ nhằm phục vụ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống.

Cục Công nghiệp cần cập nhật tình hình sản xuất thép trong nước, thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước để đảm bảo nhu cầu; rà soát cơ chế xuất khẩu cùng giải pháp quản lý xuất khẩu mặt hàng sắt thép và quặng sắt. Vụ Dầu khí và than rà soát cơ chế quản lý xuất khẩu, nhập khẩu và có giải pháp quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu than.

Theo cập nhật của Tổng cục Hải quan đến giữa tháng 8-2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước kể từ đầu năm là 399,27 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15-8-2021, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thâm hụt 3,88 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục