Ngăn chặn xây nhà không phép

Tại TPHCM, mặc dù có nhiều căn nhà xây dựng không phép đã bị tháo dỡ, nhưng tình trạng xây nhà không phép vẫn không giảm, mà ngày càng tăng cao. 

Tình trạng tự tiện xây nhà trên đất nông nghiệp khiến chính quyền mất cán bộ, người dân mất tiền. Nhiều bạn đọc đã phân tích, góp ý về giải pháp ngăn chặn tình trạng này.

Khu chung cư nhà ở xã hội 35 Hồ Học Lãm  (phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM)
Ảnh: ĐỨC TRUNG
Không dung túng cho sai phạm

Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng xây nhà không phép tại vùng ven ngày càng ồ ạt: dân ngày càng đông, nhu cầu nhà ở tăng cao, đất trống nhiều, có thể mua giấy tay xây một căn nhà giá rẻ vừa túi tiền. Mặt khác, nhiều diện tích đất nông nghiệp vùng ven không còn có thể sản xuất nông nghiệp do hệ thống thủy lợi bị hư hỏng, canh tác thu nhập thấp, nên nông dân bỏ hoang đất và tìm cách bán đi. Nhiều gia đình ít tiền chỉ mong có căn nhà chừng 40m2, tuy nhiên theo quy định tách thửa hiện nay, diện tích nhà đất phải 80m2 trở lên, nhiều người không đủ tiền mua. Do vậy, họ sẵn sàng bỏ ra 500-800 triệu đồng để mua miếng đất 60m2 bằng giấy tay. 


Tuy nhiên, không thể vì vậy mà điều chỉnh quy hoạch ở khu vực các xã nóng về xây dựng trái phép để hợp thức hóa nhà trái phép. Cho hợp thức hóa nhà trái phép lúc này chẳng khác nào củng cố tâm lý cứ mua, cứ xây nhà trái phép, vì rồi cũng sẽ được hợp thức hóa. Điều chỉnh quy hoạch là để tạo điều kiện cho khu vực có những dự án nhà ở đàng hoàng, quy củ, hợp pháp chứ không nhằm hợp thức hóa nhà trái phép. Theo Luật Quy hoạch thì sau 5 năm địa phương phải rà soát quy hoạch lại một lần, và điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương. Quy hoạch phải phục vụ cuộc sống, nên phải điều chỉnh cho phù hợp, nhưng trước khi điều chỉnh thì phải dẹp được nạn xây dựng trái phép.

Trong những năm gần đây đã có hàng loạt cán bộ, công chức huyện, xã ở vùng ven bị kỷ luật vì để xảy ra sai phạm đất đai, xây dựng, vậy mà tình trạng xây dựng trái phép vẫn diễn ra ngày một tăng. Thực tế cho thấy, việc chấn chỉnh chỉ dừng lại ở việc xử lý cán bộ sai phạm, hoặc xử lý hành chính người vi phạm; trong khi nhiều đầu nậu chuyên thu gom đất rồi xây dựng trái phép bán cho dân lại chưa bị xử lý đến nơi đến chốn. Cần truy xét, xử lý hình sự các đầu nậu về các hành vi hối lộ, trốn thuế, lừa đảo…, mới mong có thể chặt đứt những vòi bạch tuộc xây dựng trái phép. Ngoài ra, Nhà nước cần xây dựng các chính sách đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất nông nghiệp; cụ thể hóa quy hoạch sử dụng đất để từ đó hướng dẫn cho dân sử dụng đất đúng mục đích và có lợi.  Bên cạnh đó, đẩy mạnh các dự án nhà xã hội cho người có thu nhập thấp, để ai cũng có cơ hội an cư, lạc nghiệp.

TƯƠNG QUAN (quận 7, TPHCM)


Tạo điều kiện cho dân có nhà ở hợp pháp

TPHCM hiện có mức tăng dân cơ học khá cao, mỗi năm tăng khoảng 200.000 người. Kéo theo đó là nhu cầu về nhà ở. Số đông công nhân, người lao đông thu nhập thấp đang thuê trọ. Sở hữu được căn nhà dù nhỏ cũng đã là niềm mơ ước lớn để an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. TPHCM có trên 4.800 dự án quy hoạch dự kiến thực hiện trong 4 năm, từ 2016-2020, nhưng thực tế số lượng dự án được triển khai khá ít, rất nhiều dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất khá lâu vẫn còn nằm trên giấy, do nhiều nguyên nhân: quy hoạch không phù hợp, thiếu khả thi, thiếu vốn, chủ đầu tư thiếu năng lực…

Trong bối cảnh đó, đất có giấy tờ hợp pháp đủ điều kiện xin phép xây dựng tăng giá nhiều lần, dân nghèo khó với tới. Mua một căn nhà dù nhỏ, căn hộ chung cư giá rẻ cũng hơn một tỷ đồng. Đó là số tiền quá lớn so với đồng lương hiện nay của công nhân, lao động. Ít tiền khó mua được nhà có sổ hồng, nhiều người đã chọn phương án mua đất giấy tờ tay giá rẻ tại vùng ven, và cả đất vướng quy hoạch treo, để xây nhà thoát cảnh ở trọ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm xây dựng, xây nhà không phép tràn lan, góp phần gây sốt giá đất ở các quận huyện vùng ven trong thời gian qua. 

Cũng có doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, nhưng còn khá ít. Nhiều nhà đầu tư kinh doanh nhà ở thương mại, thay vì dành một phần diện tích xây dựng làm nhà ở xã hội, thì trả tiền thay cho nghĩa vụ này, vì không muốn có nhà ở xã hội trong dự án thương mại. Thành ra, nhà ở theo hướng cao cấp đắt đỏ ngày càng nhiều, trong khi thiếu loại căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội để bán hoặc cho thuê. Nhà lưu trú công nhân chỉ là phòng ở tập thể, trong khi nhu cầu đang cần là loại nhà ở cho gia đình. 

Do vậy, vấn nạn xây nhà không phép phải được giải quyết từ gốc. Cùng với việc chấn chỉnh trật tự kỷ cương xây dựng, cần giải pháp căn cơ là tạo điều kiện cho người dân có nhà ở hợp pháp. Nên rà soát lại tất cả các dự án, quy hoạch và có hướng xử lý cụ thể. Nếu khả thi thì phải triển khai nhanh, giải quyết tái định cư và việc làm cho người dân bị giải tỏa. Mạnh tay loại bỏ những quy hoạch kéo dài đã giao đất nhưng không thực hiện, thu hồi các dự án thiếu khả thi không có cơ sở triển khai, để bỏ quy hoạch treo, tạo điều kiện cho người dân ở đó xây nhà ở hợp pháp. Quy hoạch nhà ở phù hợp với mức độ tăng dân số, chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế. Nên bố trí đủ quỹ đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở và chống nạn đầu cơ đẩy giá lên cao, sao cho người thu nhập không cao cũng có thể mua xây dựng nhà. Đồng thời, khuyến khích đầu tư dự án nhà ở xã hội, như bố trí ưu đãi quỹ đất, miễn thuế sử dụng đất, giảm thuế đầu vào, giảm thuế thu nhập, kéo dài thời gian cho vay với lãi suất thấp. Nhà đầu tư làm dự án nhà ở thương mại phải dành ra tối thiểu 20% diện tích xây dựng phục vụ nhà ở xã hội, tuyệt đối không được quy đổi ra thành tiền thay cho nghĩa vụ này. 

TRẦN VĂN TƯỜNG (quận 9, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục