Ngăn chặn việc lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội

Sáng 4-9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Tư pháp, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nhận định, hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự có dấu hiệu phức tạp trở lại; có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường...

Toàn cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Tư pháp
Toàn cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Tư pháp

Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, các băng nhóm tội phạm triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội, nhất là liên quan đến lĩnh vực cho vay tài chính, hoạt động “tín dụng đen”, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… Tình trạng này diễn ra rất phức tạp tại nhiều địa phương.

Riêng tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế đã phát hiện hơn 16.000 vụ; 282 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (tăng 27,03% so với cùng kỳ năm 2017). Đáng lưu ý, tội phạm về kinh tế, tham nhũng đều tăng; nhũng nhiễu tiêu cực, tham nhũng vặt vẫn gây bức xúc.

Qua các vụ án lớn đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra các "nhóm lợi ích", hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo "sân sau", "công ty gia đình"; dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Trong khi đó, theo báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, trong 3 nhóm tội phạm được phát hiện, khởi tố gia tăng trong năm 2018, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 22,8%.

“Các cơ quan chức năng đã khởi tố 1.247 vụ, 1.818 bị can phạm các tội xâm phạm trật tư quản lý kinh tế (tăng 68,06% vụ và 42,03 bị can so với cùng kỳ năm 2017); 264 vụ, 530 bị can phạm tội tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (tăng 27,54% vụ và 8,38% bị can)”, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết.

Trong năm 2018, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 22,8%.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có sự cấu kết giữa chủ doanh nghiệp và cán bộ, cơ quan nhà nước để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, có vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Cụ thể, từ đầu năm 2018 đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 60.242 vụ án, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2017. Giảm mạnh là các nhóm tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia (15%); tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp (14,5%); tội phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường (0,9%). Bên cạnh đó, một số nhóm tội phạm được phát hiện khởi tố tiếp tục tăng như tội phạm về tham nhũng, chức vụ (22,8%); tội phạm về ma tuý (11,2%); tội phạm về trật tự xã hội (0,8%).

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đánh giá, kết quả giải quyết án về tham nhũng, kinh tế chuyển biến tích cực, số vụ án được phát hiện, khởi tố tiếp tục tăng, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Việc xử lý nghiêm minh, triệt để hơn theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng.

Trong giải quyết án tham nhũng, vai trò, trách nhiệm công tố của Viện Kiểm sát Nhân dân được thể hiện rõ hơn, nhất là việc áp dụng các biện pháp tố tụng trong đấu tranh làm rõ hành vi, xác định tội danh, thu hồi tài sản.

Còn những bản án chưa được xã hội đồng tình

Cơ bản tán thành với đánh giá của Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) về kết quả công tác xét xử các vụ án hình sự trong năm 2018, đặc biệt ghi nhận việc chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không phạm tội, song Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác xét xử án hình sự.

Chẳng hạn, tỷ lệ bản án, quyết định về hình sự bị sửa giảm nhưng tỷ lệ bản án, quyết định bị sửa do lỗi chủ quan lại tăng nhẹ (tăng 0,03% so với cùng kỳ năm 2017). Việc cho các bị cáo hưởng án treo tuy giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2017 nhưng vẫn có trường hợp chưa đúng pháp luật (0,7% tương ứng với 95 trường hợp). Số bị cáo được hưởng án treo bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm là 386 bị cáo, chiếm tỷ lệ 2,8%.

Bên cạnh đó, trong năm 2018, trong một số vụ án, dư luận xã hội còn chưa đồng tình về việc áp dụng hình phạt đối với bị cáo. Điển hình là vụ án Nguyễn Khắc Thủy dâm ô đối với trẻ em xảy ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

TAND thành phố Vũng Tàu đã xử phạt bị cáo Nguyễn Khắc Thủy 3 năm tù giam nhưng TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xét xử phúc thẩm và tuyên phạt Nguyễn Khắc Thủy 18 tháng tù, cho hưởng án treo. Bản án phúc thẩm đã bị Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM xét xử giám đốc thẩm, tuyên hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giữ nguyên hiệu lực của bản án sơ thẩm của TAND thành phố Vũng Tàu.

“Việc áp dụng hình phạt như vậy là chưa tương xứng với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội, chưa đạt mục đích răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm”, nhóm nghiên cứu bình luận.

Ngăn chặn việc lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội ảnh 1 Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đối với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy đã bị tuyên hủy, y án sơ thẩm 
Tương tự, vụ án hình sự Phan Tiến Dũng và đồng phạm bị TAND huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum xét xử sơ thẩm về tội “Trộm cắp tài sản”. TAND tỉnh Kon Tum đã xét xử phúc thẩm vụ án (ngày 1-6-2018) tuyên các bị cáo không phạm tội. Chánh án TANDTC đã có quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên của TAND tỉnh Kon Tum đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM xử giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm và giữ nguyên các quyết định bản án sơ thẩm của TAND huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.

Về công tác giải quyết các vụ việc dân sự, mặc dù số vụ việc dân sự năm nay thụ lý cao hơn cùng kỳ năm trước (25.779 vụ) nhưng kết quả giải quyết các vụ án dân sự tiếp tục được nâng lên (giải quyết tăng 12.707 vụ). Về cơ bản, kết quả giải quyết các vụ việc dân sự đạt yêu cầu theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết các vụ việc dân sự của TAND còn có những hạn chế; đặc biệt là còn 402 bản án tuyên không rõ, khó thi hành, tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2017 (29,26%). Theo báo cáo của Chính phủ, có 479 việc trong các bản án, quyết định của tòa án các cơ quan thi hành án có công văn đề nghị đính chính, giải thích. Số vụ án để quá hạn luật định mặc dù đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2017, nhưng vẫn còn 39 vụ…

Tin cùng chuyên mục