Ngăn chặn vi phạm giao thông tái diễn

Trong giai đoạn thực hiện cao điểm xử lý trật tự an toàn giao thông (từ 20-6 đến 20-9), các lực lượng chức năng của Bộ Công an đã tập trung xử lý nghiêm xe quá tải, cơi nới thành, thùng; phương tiện chở quá tải trên các tuyến cao tốc.

Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục trọng tâm xử lý vi phạm nồng độ cồn, các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông. Theo thống kê mới nhất, cơ quan chức năng đã xử lý gần 10.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên đường bộ, trong số này, TPHCM là địa phương có số lượng người vi phạm cao nhất với hơn 1.300 trường hợp. 

Theo Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức xử phạt thấp nhất là 2 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở và cao nhất là 8 triệu đồng, nếu có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở đối với xe mô tô.

Tương tự, với xe ô tô, mức xử phạt sẽ từ 6 đến 40 triệu đồng. Nhưng, tại sao số người, phương tiện vi phạm vẫn không giảm? Nhiều năm qua, Bộ Công an cũng xác định, vi phạm nồng độ cồn chủ yếu là người sử dụng phương tiện cá nhân, ở các khu đô thị và thành phố, các vi phạm này xảy ra thường xuyên hơn. 

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 6.536 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.785 người, bị thương 4.256 người. So với cùng kỳ năm 2021, số người chết tăng 112 người.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nguyên nhân tai nạn giao thông gia tăng là do các hoạt động giao thông vận tải tăng mạnh trở lại sau thời gian dài bị đình trệ bởi dịch Covid-19. Trong đó, nhiều vụ tai nạn đường bộ nghiêm trọng đã xảy ra do người điều khiển phương tiện thiếu ý thức như thiếu quan sát, phóng nhanh, vượt ẩu, ngủ gật...

Hiện nay, cảnh sát giao thông, công an một số địa phương đã triển khai tuyên truyền, đồng thời yêu cầu các chủ nhà hàng kinh doanh rượu bia ký cam kết nhắc khách không lái xe sau khi uống rượu, bia nhằm ngăn chặn từ cơ sở. Đó là cách làm khuyến khích, nhưng thiếu khả thi, chưa toàn diện. Bởi, đã vào cuộc nhậu, thực khách khó có thể nghe theo khuyến cáo của chủ nhà hàng. Do đó, để xử lý dứt điểm, ngoài biện pháp hành chính, giáo dục, cơ quan chức năng cần tính tới các biện pháp đánh vào chế tài mạnh hơn, xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng; đa dạng hình thức xử phạt… 

Tin cùng chuyên mục