Ngăn chặn và đẩy lùi nạn chạy chọt

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, ở phần nói về công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi.
Vấn nạn này đã được Đảng ta đề cập trong các văn kiện từ khá lâu, đã đề ra những cách khắc phục, nhưng đến nay, dường như mức độ có phần trầm trọng và phức tạp hơn. 
Hiện tượng “chạy” ở mức độ phổ biến hơn là “chạy biên chế”, “chạy việc làm”…, cũng là liên quan trực tiếp đến công tác cán bộ. Người bỏ tiền ra chạy để có chỗ làm, có được biên chế, có được một vị trí nào đó hẳn phải nghĩ đến việc “thu hồi vốn” và trong một số trường hợp, không loại trừ tìm cách tiêu cực, lợi dụng vị trí của mình để trục lợi, nhằm nhanh chóng “lấy lại vốn”.
Người đã bỏ tiền để chạy thì hoặc là không đủ năng lực, hoặc là không tin tưởng ở sự xét tuyển, thi tuyển minh bạch, dù không “dự định” tiêu cực, nhưng liệu có phải là mẫu cán bộ tốt? Người nhận tiền để nhận người rõ ràng là kẻ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi, đó là một dạng suy thoái, tha hóa. Chính những người này đã góp phần làm mất lòng tin của cấp dưới, của nhân dân và đưa vào tổ chức những người không thực sự đủ năng lực, phẩm chất.
Như vậy, cả các trường hợp “ai chạy”, “chạy ai”, “chạy đâu” đều để lại hậu quả xấu cho tổ chức, cho xã hội. Không chỉ trong công tác cán bộ, ở các hoạt động khác như thi đua - khen thưởng, xét xử, thực hiện chế độ chính sách..., nếu có bất kỳ hiện tượng “chạy” nào thì cũng để lại những hệ lụy khó lường. 
Chống “chạy” ở tất cả các hình thức và trên tất cả các lĩnh vực là một cuộc chiến cam go, phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, các quy trình xử lý phải thực sự chặt chẽ, công khai, minh bạch và được sự giám sát rộng rãi của cộng đồng xã hội.
Chẳng hạn, trong quy trình tuyển dụng, đề bạt, các tiêu chuẩn phải được chi tiết hóa, cụ thể hóa, công khai hóa từ thông tin của các ứng viên cho đến cách thức tổ chức thi tuyển (hoặc xét tuyển) trong tổ chức và bằng các phương tiện phù hợp, không có bất kỳ ngoại lệ nào; trong quá trình đó, cần có các cơ chế giám sát và xử lý khiếu nại, tố cáo chặt chẽ, kịp thời để có thể phát hiện và xử lý ngay các trường hợp tiêu cực.
Quy trình tốt sẽ hạn chế những “méo mó”, vụ lợi của các cá nhân thừa hành; tuy nhiên, ở những khâu quan trọng, luôn cần những cán bộ trong sạch, có tâm huyết, có trách nhiệm và những người này cần được tuyển chọn kỹ lưỡng, có chế độ đãi ngộ xứng đáng để họ yên tâm làm việc.
Trong đó, các cán bộ làm công tác tổ chức, người phụ trách việc tuyển dụng, cán bộ xét xử, cán bộ thanh tra, kiểm tra… là những đối tượng cần được quan tâm đúng mức, từ việc tuyển chọn, đào tạo, bố trí công việc, lương bổng, bổ nhiệm. Sau cùng, cần có cơ chế xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm, bất kể người đó là ai, vừa trừng phạt kẻ vi phạm vừa răn đe các cá nhân khác. Các trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt cán bộ sai trái, nhất là khi cố ý, có động cơ không trong sáng, đều phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời, tuyệt đối không được “giơ cao đánh khẽ” hoặc chỉ “rút kinh nghiệm”.
Trong vấn đề “chạy”, lâu nay, dường như có tâm lý “để ý” người “chạy” hơn là người “nhận chạy”. Nhưng trên thực tế, chính người “nhận chạy” (tức là yếu tố “chạy ai”) mới đáng quan tâm hơn, bởi đây là những người có chức vụ, quyền hạn, có thể ban phát lợi ích hoặc quyết định những điều quan trọng của người khác. Do đó, phải có những biện pháp để họ không thể “nhận chạy”, không dám “nhận chạy”, thì hiện tượng “ai chạy” sẽ giảm hẳn. Trong đó, trách nhiệm của người đứng đầu là rất quan trọng, bởi bản thân họ vừa phải tu dưỡng, giữ mình vừa phải quản lý cho được cấp dưới để hiện tượng “chạy” không thể diễn ra. Trong các việc nêu gương, đây nên xem là một việc chủ yếu! 

Tin cùng chuyên mục