Ngăn chặn tình trạng thi công ẩu

Cầm tờ báo đăng tin về cây cầu trị giá hơn 7 tỷ đồng ở Hà Tĩnh có những vết nứt loang lổ ở dầm cầu, nhiều chỗ bê tông vỡ ra lộ khối mút xốp bên trong, một kỹ sư cầu đường có mấy chục năm làm nghề trên nhiều tỉnh, thành thở dài, lắc đầu nói: “Chịu!”.

Người kỹ sư này giải thích, chịu là chịu thua cái gan dám làm ẩu. Trước đây, ở nhiều công trình cũng có tiêu cực, cũng có làm ẩu nhưng đa phần chỉ dám ẩu, dám “ăn” khi làm đường; còn làm cầu là tuyệt đối không, bởi khi xảy ra sự cố, hậu quả sẽ hết sức nặng nề. 

Có thể trên đây chỉ là nhận xét chủ quan của anh kỹ sư, nhưng hoàn toàn có cơ sở, bởi tình trạng thi công cẩu thả, gây nguy hiểm cho người dân hầu như ở địa phương nào cũng có. Tìm kiếm trên mạng với cú pháp “cầu, đường hư hỏng, xuống cấp” là có hàng trăm kết quả với hàng loạt vụ việc đã xảy ra.

Điển hình như tình trạng thi công ẩu trên đoạn vuốt nối đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã gây bức xúc lớn trong dư luận khi các đơn vị liên quan đổ lỗi chủ yếu cho... thời tiết mưa nhiều. Hay, cách nay hơn một tháng, ngay tại TPHCM, cầu vượt bộ hành Suối Tiên đã bị xe container va đổ sập vì thi công ẩu.

Theo chủ đầu tư, trong quá trình dịch chuyển vị trí thi công cầu, tư vấn thiết kế thiếu kiểm tra cao độ mặt đường, không kiểm tra độ cao đáy dầm cho phù hợp nên tĩnh không cầu thực tế chỉ  là 4,440m trong khi thiết kế 4,473m. Rất may, tai nạn không gây ra thương vong vì xảy ra lúc rạng sáng; nếu trễ hơn, hậu quả thật khó lường bởi khu vực này rất đông người dân qua lại. 

Pháp luật nước ta có một hệ thống các quy định, quy chuẩn xây dựng hết sức cụ thể để đảm bảo cho các công trình được xây dựng với chất lượng tốt. Thế nhưng, tại sao các công trình thi công ẩu, gian dối… vẫn xảy ra nhan nhản? Nhiều chuyên gia trong ngành giao thông cho rằng, một thời gian dài ở nhiều địa phương, cơ quan quản lý nhà nước hầu như giao khoán toàn bộ việc thi công cho các nhà đầu tư BOT, BT (gần như được quyết định trong việc chọn tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát).

Với kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi” nên việc có nhiều công trình cầu đường kém chất lượng là điều dễ hiểu (!?). Các chuyên gia này cũng không loại trừ khả năng các tư vấn thiết kế, giám sát được chọn lọc kỹ càng qua đấu thầu và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận nhưng vẫn bắt tay với nhau để bỏ qua các việc làm ẩu, gian dối.

Cuối cùng, là việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện của các tầng lớp nhân dân chưa được lắng nghe thấu đáo và cũng có thể do đây là ngành đặc thù, nếu không có chuyên môn về xây dựng, người dân cũng rất khó giám sát. 

Như vậy, trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất thuộc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, kinh nghiệm của các nước phát triển là xử lý nghiêm, thậm chí phải truy tố hình sự những người có hành vi thi công ẩu, gian dối gây nguy hiểm cho người dân. Quan trọng hơn cả, phải nhanh chóng áp dụng khoa học - công nghệ vào quản lý, giám sát thi công công trình.

Hiện nay, trên thế giới có mô hình quản lý dự án BIM (Building Information Modeling). BIM là một hệ thống được thiết lập với quy trình chặt chẽ từ việc xây dựng mô hình với nhiều chiều thông tin (3D, 4D, 5D…) thông qua các phần mềm chuyên dụng (Civil, Revit…) cho đến việc sử dụng các mô hình này cho giai đoạn thiết kế, thi công (quản lý khối lượng) và quản lý công trình (bảo trì, bảo dưỡng kết cấu bê tông cốt thép, các thiết bị cơ, điện nước…) xuyên suốt dòng đời của công trình. 

Đáng mừng là, chúng ta đã có hẳn đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi cuối năm 2016. Theo đề án này, từ nay đến năm 2020 triển khai áp dụng thí điểm tối thiểu 20 công trình xây dựng mới sử dụng vốn nhà nước.

Từ năm 2021, trên cơ sở tổng kết, đánh giá áp dụng BIM, Bộ Xây dựng ban hành thông tư, hướng dẫn cụ thể để áp dụng rộng rãi BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Rất mong, BIM sẽ sớm được triển khai áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. 

Tin cùng chuyên mục