Ngăn chặn thảm họa hạt nhân tại Ukraine

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin, Nga đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) tổ chức một cuộc họp vào ngày 23-8 về tình hình tại Nhà máy Điện hạt nhân Zaporizhzhya ở Ukraine. 

Ngừng ngay các hoạt động bất lợi

Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này, do Nga kiểm soát từ tháng 3, đã liên tục là mục tiêu của đạn pháo làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân tương tự như tại Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl, cũng ở Ukraine, vào năm 1986.

Hôm 22-8, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thúc giục các bên kiềm chế giao tranh xung quanh Nhà máy Điện hạt nhân Zaporizhzhya và kêu gọi các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) được phép đến nhà máy sớm nhất có thể.

Dự kiến, Quốc hội Nga sẽ nhóm họp vào cuối tuần để thảo luận về mối đe dọa đối với sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân này. Nga bác bỏ tuyên bố cho rằng họ nã pháo vào khu vực này. Thay vào đó, Moscow quy trách nhiệm cho các lực lượng Ukraine bắn đạn pháo vào trong nhà máy. Ukraine cũng phủ nhận cáo buộc của Nga.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã yêu cầu ngừng tất cả các hoạt động gây ảnh hưởng tới Nhà máy Zaporizhzhya và tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân phải cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân. Người đứng đầu LHQ khẳng định, cam kết đối thoại và những chuyến hàng ngũ cốc, phân bón từ Ukraine và Nga xuất khẩu ra thế giới phải được đảm bảo. Theo Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia, hệ thống an ninh quốc tế đang trải qua khủng hoảng sâu sắc và lòng tin giữa các nước đang ở mức cực kỳ thấp.

Ông Nebenzia nói, trong hơn 200 năm qua, các nước phương Tây đã đổ lỗi cho Nga về mọi thứ, đồng thời cáo buộc Mỹ và các đồng minh “hành động liều lĩnh và khiêu khích ở châu Á, châu Phi” và cả Ukraine. Ông Nebenzia cho biết thêm, Nga đã yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp của HĐBA LHQ về các hành động khiêu khích của Ukraine tại Nhà máy Điện hạt nhân Zaporizhzhya. Trong khi đó, Ukraine cáo buộc Nga sử dụng nhà máy này như “một căn cứ quân sự và pháo kích vào khu vực xung quanh”.

Nguy cơ rất lớn

Theo bà Natalia Horbolit, Phó Thị trưởng Nikopol, thành phố gần nhà máy, mọi người đều sợ điều tồi tệ nhất xảy ra. Bà Horbolit cho biết, khoảng 40% cư dân của thành phố đã sơ tán kể từ khi trận pháo kích xung quanh nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu bắt đầu vào tháng trước. IAEA đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu cơ sở này bị tấn công và kêu gọi Nga, Ukraine biến nơi đây thành một khu phi quân sự.

Theo Tass, ông Sergey Ordzhonikidze, cựu Tổng giám đốc Văn phòng LHQ tại Geneva, cho biết, việc phi quân sự hóa cũng đồng nghĩa với việc dừng hoạt động quân sự đặc biệt của Nga và Moscow sẽ không đồng ý với điều đó. Ông Ordzhonikidze cảnh báo, bất kỳ cuộc pháo kích nào vào Zaporizhzhya đều có nguy cơ dẫn đến thảm họa hạt nhân.

Theo hãng tin Sputnik, Bộ Quốc phòng Nga đặt trường hợp nếu máy phát điện diesel dự phòng và máy bơm nước di động bị hỏng, trong trường hợp khẩn cấp, lõi hạt nhân sẽ quá nóng và các lò phản ứng tại nhà máy sẽ bị phá hủy, giải phóng các chất phóng xạ vào bầu khí quyển và lan xa hàng trăm kilomet. Tình trạng khẩn cấp như vậy sẽ khiến người dân phải sơ tán hàng loạt, gây ra hậu quả thảm khốc hơn cuộc khủng hoảng năng lượng khí đốt sắp xảy ra ở châu Âu. Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, Kiev muốn lập vùng phi quân sự bán kính 30km xung quanh Nhà máy Zaporizhzhya để kích hoạt việc triển khai các lực lượng quốc tế đến khu vực này.

Tin cùng chuyên mục