Ngăn chặn những “làn gió độc”

Với nghề y, Lời thề Hippocrates rất cao quý nhưng nhiều người đã làm ngược lại, khiến cho bất cứ ai có lương tâm cũng đều giận dữ trước hành vi bất chấp luân thường đạo lý, làm trái những gì được dạy. Khi đất nước đang gặp khó khăn chưa từng có, việc “thổi giá” kit test Covid-19 để trục lợi có thể nói là táng tận lương tâm, “ăn” trên “cái chết” của đồng bào.  

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tổ chức chuyên án đấu tranh với đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế kit test Covid-19 xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương có liên quan.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu kit test Covid-19 của các địa phương, sản phẩm này thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Công ty Việt Á đã thông đồng với lãnh đạo các cơ sở, đơn vị y tế ở một số địa phương “thổi giá” kit test Covid-19. Điều này khiến dư luận phẫn nộ. 

Những vụ việc xảy ra trong lĩnh vực y tế gần đây, cũng như trước đó là những vụ xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, khiến tôi, vốn là một nhà giáo, hết sức đau lòng. Hai ngành cao quý nhất mà xã hội luôn kính trọng, trân quý gọi là thầy, nhưng lại để xảy ra tình trạng nhiều người đưa nghề cao quý thành nghề kinh doanh.

Đặc biệt, với nghề y, Lời thề Hippocrates rất cao quý nhưng nhiều người đã làm ngược lại, khiến cho bất cứ ai có lương tâm cũng đều giận dữ trước hành vi bất chấp luân thường đạo lý, làm trái những gì được dạy. Khi đất nước đang gặp khó khăn chưa từng có, việc “thổi giá” kit test Covid-19 để trục lợi có thể nói là táng tận lương tâm, “ăn” trên “cái chết” của đồng bào.  

Qua những sự việc này, chúng ta càng thấy thấm thía nhiều về vấn đề cơ chế thị trường. Rất nhiều người chỉ dừng ở cơ chế thị trường mà quên đi định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thị trường nên có hành vi mua bán, chụp giật, trục lợi một cách bất chấp, tham nhũng, tiêu cực, vơ vét.

Do đó, ở đây có một vấn đề rất lớn đặt ra với chúng ta, đó là phải tăng cường công tác giáo dục đến nơi đến chốn cho cán bộ, đảng viên. Nếu nói nhiều mà không đi vào thực tiễn sẽ không giải quyết được vấn đề. Qua nhiệm kỳ đại hội Đảng lần thứ XII với nhiều vụ án tham nhũng, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao bị xử lý, chúng ta rất thấm thía những điều mà các đồng chí nguyên lãnh đạo đã nói.

Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Quang Đạo… đã từng đặt vấn đề rằng, khi chúng ta đổi mới sẽ có những làn gió mát lành và cũng sẽ có những “làn gió độc”, nếu không có giải pháp để ngăn chặn những “làn gió độc” thì tác hại sẽ rất ghê gớm. 

Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta cũng đã thẳng thắn chỉ rõ việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới. Biểu hiện cụ thể là hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, đồng bộ, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn.

Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ. Việc chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ; việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân vẫn còn hạn chế. Bộ máy chính quyền ở một số nơi còn quan liêu; một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…

Rõ ràng, người dân vẫn còn nhiều bức xúc trong bộ máy nhà nước. Nhiều đơn khiếu nại, tố cáo của người dân chưa được giải quyết. Nhiều người không dám đấu tranh vì sợ bị trù dập... Do đó, để hạn chế những tiêu cực, sai trái, cần tăng cường sự giám sát, phát huy quyền làm chủ của nhân dân để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn sai phạm.

Người dân cũng mong Đảng, Nhà nước phải xử lý thật nghiêm các cá nhân sai phạm, vì dù đó là một bộ phận nhỏ, là con sâu làm rầu nồi canh nhưng “bộ phận nhỏ” đó nếu không được loại bỏ cũng có thể phá hoại khủng khiếp thành quả của chúng ta, làm giảm niềm tin của nhân dân.

Triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa vào chương trình làm việc nhiệm kỳ 2021-2026 nhiệm vụ xây dựng, ban hành nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Hy vọng rằng chúng ta sẽ xây dựng được một đội ngũ cán bộ thực sự là công bộc của dân, lo cho dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tin cùng chuyên mục