Ngăn chặn nạn đổ lén, chôn lấp rác thải

Thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy TPHCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, trong năm 2019, các sở ngành, chính quyền cơ sở triển khai quyết liệt các biện pháp, giải pháp, kết quả là tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. 

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, đặc biệt từ sau thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, tình trạng đổ rác thải ra đường, kênh rạch, chôn lén chất thải tái diễn phức tạp tại nhiều quận huyện, khiến môi trường sống bị ô nhiễm nặng.

Ngăn chặn nạn đổ lén, chôn lấp rác thải ảnh 1 Bãi rác trái phép tồn tại trong khu đất dự án Investco City tại ấp 4A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM

Bờ kênh, đất trống ngập rác 

Mới đây, khi lưu thông trên đường Rạch Cầu Suối (đoạn qua xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh), người dân tăng ga chạy nhanh để né mùi hôi thối bốc lên từ rác thải đủ loại: bao bì, thùng giấy, thực phẩm, có cả xác động vật chết chứa trong bao tải do những người thiếu ý thức đem vứt, đổ khắp bờ kênh hai bên đường Rạch Cầu Suối. Lòng kênh nhiều đoạn bị tắc nghẽn dòng chảy do rác thải tràn xuống.

Bà Thanh, chủ quán phở ở góc đường Rạch Cầu Suối và Vĩnh Lộc, kể: Đầu năm 2019, xã phát động, kêu gọi người dân không xả rác ra kênh. Cùng với đó, dân quân, đoàn thanh niên tổ chức vớt rác, dọn vệ sinh nên môi trường có cải thiện. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, rác thải càng lúc càng xuất hiện nhiều ở hai bên bờ kênh. “Phần lớn những trường hợp đổ rác thải ra kênh là người ở địa phương khác. Họ không chỉ vứt những túi rác nhỏ mà còn sử dụng cả xe máy, xe ba gác, thậm chí có cả xe tải nhỏ chở rác đến đổ lén vào ban đêm”, bà Thanh cho hay. 

Tại quận Bình Tân, các tuyến đường Nguyễn Cửu Phú (đoạn trước chùa Bình An, phường Tân Tạo A), đường Bình Long (bên hông nghĩa trang Bình Hưng Hòa), kênh Nước Đen (phường Bình Hưng Hòa)… cũng trong tình trạng tương tự, tràn lan rác thải, rất mất mỹ quan. Cùng với nạn đổ lén rác thải, tình trạng san lấp, chôn lén chất thải rắn, rác thải công nghiệp cũng diễn ra phổ biến tại nhiều nơi trên địa bàn TPHCM. 

Những ngày qua, người dân ở ấp 4, xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè) rất bức xúc việc một số cá nhân, tổ chức chở xà bần, vật liệu xây dựng, bao bì… bằng xe tải đến san lấp, chôn lấp tại hồ Tràm (cuối đường Phạm Hùng nối dài). Trước đó, tại một khu đất trống ở tổ 4, ấp 6A, (xã Vĩnh Lộc B), 2 ông Mạch Trí Trực và Nguyễn Đức Tâm (cùng ngụ huyện Bình Chánh) lén chôn lấp chất thải rắn công nghiệp bị người dân địa phương phát giác, báo cơ quan chức năng. Ngày 10-4, TN-MT huyện Bình Chánh phối hợp cùng Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TPHCM) tiến hành khai quật khu đất, thu gom 21 tấn chất thải. Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, xử lý. 

Xóa sổ “điểm nóng” rác thải

Trao đổi với PV Báo SGGP về tình trạng đổ lén rác thải ra đường, kênh rạch xuất hiện nhiều trở lại trong thời gian gần đây, lãnh đạo nhiều quận huyện, phường xã ở TPHCM khẳng định, địa phương vẫn đang quyết liệt thực hiện các giải pháp kéo giảm ô nhiễm môi trường theo Chỉ thị 19 của Thành ủy TPHCM. Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn, cơ chế hoạt động còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến việc ngăn chặn người dân đổ rác ra môi trường có lúc, có nơi chưa hiệu quả. 

Đề cập đến tuyến đường Rạch Cầu Suối “ngập rác”, ông Võ Trường Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) cho biết, đây là 1 trong 3 “điểm nóng” rác thải trên địa bàn. Thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Theo ông Thành, nguyên nhân chính là do xã Vĩnh Lộc B có dân số quá đông (hơn 120.000 dân), phần lớn là dân lao động, do đó việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, địa phương có diện tích đất rộng, nhiều tuyến đường, đoạn kênh không có người ở. Lợi dụng việc này, người dân thiếu ý thức chở rác thải đến đổ. 

“Trong năm 2020, địa phương sẽ tập trung xóa sổ các “điểm nóng” đổ rác, ô nhiễm môi trường trên địa bàn”, ông Thành nói, đồng thời cho biết, để thực hiện mục tiêu này, sắp tới xã sẽ bố trí, thành lập các chốt trực, theo dõi tại các khu vực, tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng vứt, đổ rác. Bên cạnh đó, xã sẽ phối hợp với Điện lực Bình Chánh lắp đặt hệ thống camera quan sát ở những “điểm nóng” đổ rác để “phạt nguội” các trường hợp vi phạm, tăng tính răn đe. 

Ông Nguyễn Anh Cường, Chánh Văn phòng HĐND - UBND quận Bình Tân, cho biết, để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy TPHCM, đặc biệt ngăn chặn không để người dân đổ rác ra đường, kênh rạch, quận Bình Tân đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp được tập trung thực hiện là lắp đặt thùng rác công cộng. Cùng với đó, quận cũng tuyên truyền, kêu gọi người dân chủ động phân loại rác tại nguồn.

Ngoài ra, quận Bình Tân cũng đã lập mô hình “Khu phố sạch, không rác ra đường, kênh rạch”. Để được công nhận danh hiệu này, hẻm ngõ, kênh rạch tại khu phố phải không có rác thải. Sau khi được công nhận “Khu phố sạch, không rác ra đường, kênh rạch”, khu phố nào để xảy ra tình trạng xả rác, lãnh đạo phường ở đó phải chịu trách nhiệm.

Từ cuối năm 2018 đến nay, quận Bình Tân đã lắp đặt gần 11.000 thùng rác công cộng, trong số này có hơn 10.000 thùng rác là từ nguồn kinh phí xã hội hóa (trị giá hơn 8 tỷ đồng).

“Việc người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp góp tiền lắp đặt thùng rác công cộng không chỉ làm giảm tình trạng rác đổ tràn lan ra đường, kênh rạch mà qua đó, người dân sẽ ý thức hơn, quan tâm hơn đến hoạt động bảo vệ môi trường, từng bước thay đổi thói quen xấu đổ rác bừa bãi. Việc lắp đặt thùng rác công cộng sẽ được quận triển khai rộng rãi hơn trong thời gian tới, trong đó tập trung lắp đặt ở những khu vực, tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng đổ lén rác thải”, ông Nguyễn Anh Cường cho hay.

Tin cùng chuyên mục