Ngăn chặn hay cho phép học sinh đi xe hơn 50cc?

Thực tế phụ huynh và các em đều biết học sinh đi xe hơn 50cc là vi phạm luật giao thông, nhưng nhiều trường hợp do nhà xa trường học và ba mẹ bận đi làm không thể đưa đón con nên vẫn cứ “làm bừa”.
Một số học sinh THPT sử dụng xe máy đi học, không đội nón bảo hiểm
Một số học sinh THPT sử dụng xe máy đi học, không đội nón bảo hiểm

Theo Luật Giao thông đường bộ, loại xe gắn máy 2 bánh hơn 50cc được gọi là mô tô, quy định chỉ người đủ 18 tuổi trở lên và có giấy phép lái xe mới được điều khiển. Tuy nhiên, trên đường phố TPHCM vào giờ đi học và tan học, thường thấy có nhiều học sinh THPT đi xe hơn 50cc. Vì sao như vậy?

Đủ kiểu đối phó

Trưa ngày 6-3, giờ tan trường, ở cổng phụ Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (quận 3) - nơi có bãi giữ xe, các em học sinh lấy xe ra về. Ngoài số học sinh đi xe đạp, xe điện, có nhiều học sinh đi xe máy.

Theo luật, người từ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi (độ tuổi học sinh THPT) được điều khiển xe máy dưới 50cc, nhưng có nhiều em đi xe phân khối lớn. Dù trời nắng nóng, nhưng để tránh cảnh sát giao thông phát hiện là người chưa đủ 18 tuổi (khi thấy mặc đồng phục học sinh), nhiều em mặc áo khoác kín mít. Có những em không đội nón bảo hiểm và thậm chí chở 3, phóng nhanh, lạng lách trên đường Trần Quốc Toản. Thời điểm tan học buổi chiều, ghi nhận tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) cũng có nhiều em học sinh sử dụng xe phân khối lớn.

Sáng ngày 7-3, tại cổng Trường THPT Trưng Vương (quận 1) cũng thấy hàng chục trường hợp học sinh sử dụng xe phân khối lớn. Các em phóng xe thẳng vào trường. Em nào kỹ hơn thì vòng xe về hướng cổng phụ, rồi leo lề và quẹo vào trường.

Anh Nguyễn Quang San (ở quận Bình Thạnh) cho biết: “Tôi đi làm và về thời điểm trùng với giờ vào học và tan học của học sinh trường này, thấy trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có một số học sinh chạy xe máy rất nhanh và ẩu. Phần đông các em đều quên bật đèn chuyển hướng, khiến nhiều lần tôi bị va quẹt. Sau này, quen rồi, đến cổng trường, tôi chạy chậm lại và nhìn vào vai của người đi trước. Cứ thấy tụi nó nghiêng vai chuyển hướng thì mình lo thắng lại, nhường đường”.

Cách đó không xa, một số học sinh Trường THCS Võ Trường Toản cũng đã sử dụng xe máy đến trường, dù độ tuổi học THCS đương nhiên chưa được phép sử dụng xe máy. Nhà trường không nhận giữ xe máy, nên các em này đưa xe qua gửi ở bãi xe của Thảo Cầm viên.

Bài toán khó

Căn cứ Điều 60 Luật Giao thông đường bộ, các em học sinh bậc THCS sử dụng xe máy và học sinh THPT sử dụng xe máy trên 50cc đều là vi phạm quy định pháp luật.

Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP (về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới) quy định phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô; phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe từ 50cc trở lên.

Thực tế hiện nay hành vi này bị xử lý nặng. Ngoài nộp phạt vi phạm hành chính, học sinh chưa có giấy phép lái xe mà đi xe trên 50cc còn bị cảnh sát giao thông tạm giữ xe và bị nhà trường buộc làm kiểm điểm. Vi phạm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xếp loại hạnh kiểm của các em. Dù vậy, việc học sinh điều khiển xe phân khối lớn đến trường vẫn tồn tại.

Thực tế phụ huynh và các em đều biết học sinh đi xe hơn 50cc là vi phạm luật giao thông, nhưng nhiều trường hợp do nhà xa trường học và ba mẹ bận đi làm không thể đưa đón con nên vẫn cứ “làm bừa”.

Trong khi đó, phụ huynh muốn mua cho con xe 50cc theo đúng quy định lại rất nan giải. Ông T.D.T. (phụ huynh của một học sinh lớp 11 Trường THPT Trưng Vương) phân trần: “Theo đúng độ tuổi, con tôi có thể điều khiển xe 50cc đến trường. Tuy nhiên, các hãng xe máy rất hiếm đưa ra thị trường loại xe này. Hình như dòng xe 50cc đã ngưng sản xuất lâu rồi”.

Thật vậy, đến các cửa hàng xe máy ở các quận 1, 5, 10, Bình Thạnh… đều không thấy bán loại xe 50cc. Chỉ có thể tìm được ở các điểm bán xe cũ đã qua sử dụng, chất lượng không đảm bảo nên thường xuyên bị trục trặc, hư xe dọc đường, không an toàn cho học sinh. Xe máy điện thì chất lượng vô chừng. Do vậy, nhiều phụ huynh cũng mặc cho con mình sử dụng xe phân khối lớn đến trường như là chuyện bất khả kháng.

Ông Lý Quốc Trung (ở quận Bình Tân) cho biết: “Con tôi đang học lớp 12 tại một trường ở quận 3. Ban giám hiệu nhà trường cũng yêu cầu phụ huynh cam kết không để con em mình sử dụng xe phân khối lớn đến trường. Mấy năm trước, tôi cố gắng thu xếp đưa đón con. Nay vợ chồng tôi làm việc theo ca, trong khi con còn phải đi học thêm để chuẩn bị thi tốt nghiệp, không có điều kiện đưa đón nên đành phải cho cháu sử dụng xe máy đến trường. Thể trạng học sinh THPT đã hoàn toàn có thể điều khiển xe máy an toàn. Với sự phát triển tâm sinh lý thế hệ trẻ nước ta hiện nay, theo tôi nên chỉnh luật để các cháu học sinh THPT đủ điều kiện sức khỏe có thể tham gia thi lấy bằng lái”.

Có thể thấy, giải pháp này khó thực thi vì còn liên quan đến hàng loạt vấn đề pháp lý về trách nhiệm dân sự, tuổi thành niên, và xung đột với giải pháp hướng tới hạn chế xe máy tại các đô thị.

Tin cùng chuyên mục