Ngăn chặn hành khách tấn công nhân viên hàng không

Ngày 5-12, trên chuyến bay VJ212 của hãng hàng không Vietjet từ sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) đi Vinh (Nghệ An) đã xảy ra vụ việc  hành khách có hành vi tấn công tiếp viên hàng không trong khi đang làm nhiệm vụ.

Khi cơ trưởng chuyến bay thông báo, do thời tiết xấu, máy bay phải chuyển hướng hạ cánh tại sân bay Nội Bài để đảm bảo an toàn, một số hành khách đã có phản ứng không hợp tác.

Trong đó, 2 hành khách có hành vi gây rối trên máy bay, dùng lời lẽ thô tục và cố xông tới định đấm vào mặt tiếp viên. Khi máy bay hạ cánh, những hành khách này bị từ chối vận chuyển tiếp nên tiếp tục có hành vi chống đối, đập phá, buộc nhà chức trách và lực lượng kiểm soát an ninh hàng không phải cưỡng chế, đưa 2 đối tượng gây rối rời khỏi máy bay.

Điều đáng nói là, vụ việc này xảy ra chỉ ít ngày sau vụ nhóm hành khách hành hung nhân viên hãng hàng không Vietjet tại sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa). Trước đó, tháng 7, một hành khách cũng có hành vi đánh vào đầu nữ tiếp viên hàng không trong quá trình sắp xếp hành lý trên máy bay từ Vinh đi TPHCM.

Cùng với sự tăng trưởng về sản lượng hành khách của ngành hàng không, các vụ việc hành khách tấn công nhân viên hàng không cũng tăng lên. Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, các cảng vụ hàng không và hãng hàng không đều khẳng định, những vụ việc hành hung nhân viên hàng không là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng không và sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Tuy nhiên, có thể thấy, việc kiểm soát các vụ việc tương tự chưa thực sự hữu hiệu. Ví dụ, sau vụ việc xảy ra ở sân bay Thọ Xuân, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam Vũ Thế Phiệt cũng phải thừa nhận, tại một số sân bay địa phương, nhân viên an ninh đã phản ứng chưa nhanh, hành xử chưa đúng quy trình, thái độ xử lý tình huống chưa tích cực, dẫn đến tình huống xấu không được ngăn chặn từ sớm.

Tương tự, việc ứng phó với những hành khách cố tình hành hung nhân viên trên máy bay cũng mất rất nhiều thời gian và nếu máy bay vẫn đang trong hành trình thì tổ bay sẽ gặp khó khăn vì không được lực lượng an ninh hỗ trợ.

Qua các vụ việc có thể thấy, bên cạnh việc hoàn thiện toàn bộ hệ thống camera, hàng rào an ninh, việc cần làm ngay là các cảng hàng không cần tuyển thêm nhân sự, đào tạo và đào tạo lại để nâng cao chất lượng an ninh tại sân bay, rà soát lại quy trình phối hợp giữa các lực lượng.

Đồng thời, các thành viên tổ bay, tiếp viên hàng không cũng cần được tập huấn, đào tạo lại các kỹ năng ứng xử với hành khách để đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra xung đột, đồng thời trang bị thêm kỹ năng ứng phó với việc bị hành khách tấn công. Về xử phạt đối với các hành khách gây rối, theo Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng vừa được ban hành (có hiệu lực từ 15-1-2019), các  hành vi đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không, hành khách sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng; hành hung thành viên tổ bay, hành khách trên máy bay sẽ bị xử phạt 12-15 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các hành khách gây rối có thể bị bổ sung thêm hình phạt cấm bay. Đặc biệt, tùy theo tính chất vụ việc, hành khách có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hy vọng, với những biện pháp chế tài mạnh hơn sắp tới, những hành vi manh động, côn đồ của hành khách với nhân viên hàng không sẽ được giảm thiểu.

Tin cùng chuyên mục