Ngại cưới

Bà Thiêm lặn lội từ quê miền Trung vào Sài Gòn, tiếng là thăm con, nhưng mục đích lớn nhất là... hối con lấy chồng. Con gái bà năm nay 31 tuổi, công việc ổn, có nhà rồi, có bạn trai rồi, nhưng mãi không thấy nói gì chuyện cưới xin. Ở quê thì làng xóm đi ra đi vô cứ hỏi hoài làm bà sốt ruột.
Ngại cưới

Vậy mà khi nói ra ý định của mình, con gái bà lại gạt đi như mọi lần: Từ từ mẹ à, tụi con có vội gì đâu.

Bà viện dẫn mọi lý lẽ mà các bà hàng xóm vẫn rủ rỉ mỗi khi sang chơi: Cưới đi, mẹ còn khỏe, còn lo được chứ mai mốt mẹ nằm xuống lấy ai lo? Cưới đi, rồi đẻ sớm chứ mai mốt già rồi không đẻ được lại phải chạy chữa tốn kém như mấy chị ở làng. Tiền bạc thì làm cả đời, cưới xong đồng vợ đồng chồng sợ chi nghèo khó...

Đáp lại, con bà chỉ cười: Tụi con lớn rồi, cưới thì tự lo chứ mẹ nuôi con lớn từng này còn bắt mẹ lo sao đành? Con cưới, mẹ không phải lo gì hết. Con cái thì tùy duyên, nếu được tụi con đẻ một đứa. Không đẻ được thì ở vậy chăm nhau, buồn quá thì xin con nuôi. Bây giờ nuôi một đứa bé tốn kém lắm không như ngày xưa, không lo được cho tốt thì… khỏi đẻ.

Bà muốn trào nước mắt vì những lời thản nhiên đó. Bà buồn bã, bảo nó ở thành phố lâu ngày nên nghĩ khác quá, bà không có lý lẽ nào mà nói cho lại. 

Kết lại cuộc nói chuyện không được như ý bà cụ Thiêm. Nhưng mấy ngày ở với con, bà lại thấy con đi làm cực quá. Mười bữa thì hết bảy tám bữa đi sớm về khuya, trở về xụi lơ nhợt nhạt. Ngoài ra, dù “không chồng” nhưng nó và ông bạn trai vẫn ríu rít vui vẻ, lễ phép dịu dàng với bà từng chút, không có gì phải phàn nàn. Trên tường nhà còn treo đầy những tấm hình hai đứa nó đi du lịch khắp nơi cùng nhau; tấm nào cũng cười vui rạng rỡ, toàn những nơi bà chưa đi đến bao giờ.

Trời không chịu đất, thì đất phải chịu trời chứ biết sao. Bà trở lại quê với lời dặn dò chắc nịch của con gái: Mẹ đừng lo, tuy có hơi muộn nhưng mọi việc đang theo đúng kế hoạch từ đầu của tụi con rồi. Tụi con sẽ cưới sau khoảng 1 năm, hay 1 năm rưỡi nữa. Còn bây giờ là lúc tụi con cày cuốc để trả bớt nợ mua nhà và dành dụm tiền cưới xin, sinh con sau này. Mẹ đừng nghe lời làng xóm mà hối con, vì nghe họ cưới xong đẻ con không có tiền, lúc ấy vợ chồng đánh chửi nhau thì hàng xóm có cho mình tiền để sống đâu. Nên mẹ cứ yên tâm nhé. 

Tiễn mẹ về quê rồi, Thư, con gái bà Thiêm, mới tâm sự với tôi: Thực ra chuyện rất đơn giản, tụi mình sẽ cưới khi thực sự thấy sẵn sàng. Về tiền bạc, về tình cảm nữa. Tụi mình vẫn đang cùng nhau vun đắp cả hai thứ đó, khi nào “thấy đủ” mới cưới. Đó là lý do tụi mình ngại cưới, dù người ngoài nhìn vô thấy hai đứa chẳng còn thiếu gì. 

“Mẹ mình hay kể người nọ người kia 20-22 tuổi đã lấy chồng, 25 tuổi đã hai con. Vợ chồng làm công nhân hay buôn bán thôi mà vẫn nuôi con rất tốt. Ừ thì dĩ nhiên là họ vẫn sống được. Nhưng tụi mình không muốn và không thể sống như thế”, Thư nói.

Tiền bạc kể ra còn có con số mà tính, chứ tình cảm biết sao là đủ? Em họ Thư là Dung năm nay 27 tuổi, như ý các cụ ở quê là cũng sắp hết tuổi xuân tới nơi rồi, mà vẫn lẻ bóng. Mặc dù, y như người chị họ, Dung giỏi giang, ăn ở biết điều, gia đình bạn trai rất quý mến.

Lý do Dung đưa ra là phải có thời gian tìm hiểu thêm người bạn của mình. Dung làm việc trong một đơn vị truyền thông lớn. Năm năm đi làm, Dung đi dự 7 cái đám cưới của các anh chị cùng cơ quan, thì đến nay đã có 4 người ly hôn. Dung biết có những cặp trông rất ổn, nhưng khi lấy về đã “vỡ mộng” về nhau, cảm thấy đối phương không thể thực sự sẻ chia được với mình cuộc sống bộn bề này, không thể “chạm” vào trái tim nhau. 

“Văn vở thế thôi. Chứ em nghĩ là họ chưa tìm hiểu nhau thật kỹ nên mới toang. Em sợ đổ vỡ lắm. Bởi vậy em không vội”, Dung nói. 

Trong khi đó, những bạn đồng trang lứa với Dung có vài người cũng ngại cưới, chỉ để yêu yêu vậy thôi chứ nói tới cưới là gạt đi ngay. Có người sợ cảnh làm dâu, làm rể, hai vai gánh vác cả giang sơn nhà chồng/nhà vợ trong khi cuộc sống đã quá nhiều vấn đề lo nghĩ mệt óc rồi. “Cứ như hai cánh chim tự do, ở bên nhau tự do tự tại, mắc gì ràng buộc?”, là tuyên bố một cách đầy “văn vở” của một người bạn Dung, cũng thuộc diện… ngại cưới.

Có những e ngại nhất định. Có những bất cần. Nhưng dù là gì đi nữa, nếu mang vào cuộc hôn nhân của mình sự sẵn sàng cao độ, sự trưởng thành về nhận thức và đặc biệt là một trái tim yêu, thì cuộc hôn nhân ấy sẽ có cơ hội để vững bền và trở thành chỗ dựa bình yên. Bởi vậy, thôi thì bà Thiêm cứ từ từ, sớm muộn gì, con gái bà cũng sẽ hết… ngại mà tiến tới hôn nhân thôi. Nhiều khi, đợi chờ cũng là hạnh phúc…

Tin cùng chuyên mục