Nga và Mỹ họp thượng đỉnh về Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý trên nguyên tắc cuộc họp thượng đỉnh về tình hình Ukraine. Đây là nỗ lực ngoại giao mới nhất giữa hai cường quốc này nhằm giảm căng thẳng tại Ukraine. 
Người dân Donbass, Ukraine di tản tránh pháo kích
Người dân Donbass, Ukraine di tản tránh pháo kích

Hàng ngàn người bị ảnh hưởng

Phó Đại diện Thường trực của Nga tại Liên hiệp quốc, ông Dmitry Polyansky, kêu gọi Chính phủ Ukraine tôn trọng Thỏa thuận Minsk, không nên nổ súng vào khu dân cư ở Donbass. Theo ông Polyansky, việc các nước phương Tây bỏ qua việc quân đội Ukraine pháo kích vào Donbass có thể đẩy Kiev đến một cuộc tấn công toàn diện. 

Đại diện các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng (thuộc vùng Donbass)  cho biết, quân đội Ukraine những ngày qua đã tiến hành các đợt pháo kích lớn nhất trong những tháng qua.

Ngày 21-2, ít nhất 4 dân thường đã thiệt mạng do pháo kích trong vòng 24 giờ và một số người khác bị thương. Các vụ pháo kích cũng làm hư hại một số cơ sở dân sự.

Trong bối cảnh mối đe dọa ngày càng gia tăng, chính quyền Donetsk và Lugansk đã phải sơ tán người dân sang Nga. Ngày 20-2, Donbass tuyên bố tổng động viên. Hơn 14.000 người đã thiệt mạng tại Donbass kể từ khi xung đột nổ ra vào năm 2014 giữa lực lượng ly khai và quân đội Ukraine sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga.

Theo Tass, quân đội Ukraine tiếp tục pháo kích vào Donbass, miền Đông Ukraine làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn công dân Nga. Vì vậy, Nga đã lập nhiều trại tiếp nhận công dân của mình lánh nạn.

Sputnik dẫn thông báo của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga ngày 20-2 cho biết, đã có hơn 250 trung tâm lưu trú tại nước này với năng lực tiếp nhận trên 28.000 người được chuẩn bị cho những người tị nạn từ Donbass, miền Đông Ukraine.

Tuyên bố của bộ này nêu rõ, hiện tại đã có 30 khu vực của Nga thông báo sẵn sàng tiếp nhận những người tị nạn từ nước láng giềng. Trong đó, một số khu vực như Rostov, Voronezh và Kursk đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp cục bộ do “số lượng lớn” người tị nạn từ Donbass. 

Tìm giải pháp tháo ngòi nổ ở Ukraine

Theo AP, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý về nguyên tắc cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng tại Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đóng vai trò cầu nối cho cuộc gặp thượng đỉnh nói trên trong cuộc điện đàm giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin kéo dài đến giữa đêm 20-2.

Theo Văn phòng Tổng thống Pháp, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đều đã “chấp nhận trên nguyên tắc của một hội nghị thượng đỉnh như vậy”, tiếp theo là một cuộc họp thượng đỉnh rộng lớn hơn cũng có sự tham gia của các bên liên quan khác để thảo luận về an ninh và ổn định chiến lược ở châu Âu. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ gặp nhau vào ngày 24-2 để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh này.

Nga vẫn phủ nhận mọi kế hoạch xâm lược Ukraine, đồng thời muốn phương Tây đảm bảo rằng NATO sẽ không cho phép Ukraine và các nước thuộc Liên Xô trước đây gia nhập tổ chức này. Nga cũng tiếp tục kêu gọi NATO ngừng triển khai vũ khí tới Ukraine và rút lực lượng của họ khỏi Đông Âu - những yêu cầu bị phương Tây từ chối.

Các quan chức Nga cũng đã bác bỏ lời kêu gọi của phương Tây về việc giảm bớt quân số tại biên giới Nga - Ukraine. Moscow khẳng định, Nga có thể tự do triển khai quân đội và tiến hành các cuộc tập trận ở bất cứ nơi nào họ muốn trên lãnh thổ của mình.

Theo AP, Tổng thống Nga Vladimir Putin tối 21-2 đã triệu tập cuộc họp các quan chức thuộc Hội đồng An ninh để xem xét công nhận nền độc lập của các khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine, một động thái sẽ làm gia tăng căng thẳng với phương Tây.

Tin cùng chuyên mục