Nga mong tiếp tục là đối tác thương mại với EU

Nga hy vọng mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) vốn đang xấu đi có thể trở lại bình thường nếu các nước phương Tây từ bỏ hành động tuyên truyền chống Nga và cùng đối thoại trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

Lợi ích chung

Thông điệp trên được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra trong cuộc họp báo sau hội đàm với người đồng cấp Bồ Đào Nha Augusto Santos Silva tại Moscow.

Ông Lavrov nhấn mạnh Nga mong muốn có thể đảo ngược xu hướng tiêu cực trong quan hệ với EU hiện nay và cho rằng điều này chỉ có thể đạt được nếu tất cả các bên tham gia thảo luận thực chất dựa trên thực tế, thay vì lặp lại các tuyên truyền một cách có hệ thống từ năm này qua năm khác. Ngoại trưởng Nga cũng lưu ý rằng EU cần sớm xem xét lại quan hệ với Nga khi thế giới đa cực đang trở thành một xu hướng tất yếu.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Bồ Đào Nha khẳng định Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga cần duy trì đối thoại chặt chẽ để giảm xung đột chính trị và cải thiện an ninh ở châu Âu.

Ông Silva nhấn mạnh EU và Nga có “lợi ích chung” liên quan đến an ninh tập thể trong khu vực, đồng thời lưu ý rằng kênh chính trị giữa NATO và Nga cần được kích hoạt, các nước cần tìm ra một chương trình nghị sự tích cực trong quan hệ.

Nga mong tiếp tục là đối tác thương mại với EU ảnh 1 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và người đồng cấp Bồ Đào Nha Augusto Santos Silva tại buổi họp báo

Bất chấp những căng thẳng giữa Nga - EU cũng như thiệt hại do các lệnh trừng phạt mà 2 bên áp đặt cho nhau, Nga vẫn là đối tác thương mại quan trọng thứ 5 của EU. Trong khi đó, Brussels cũng là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Moscow. Năm 2020, EU chiếm khoảng 34% kim ngạch thương mại của Nga với 192 tỷ USD.

Kịch bản đối phó

Mong muốn là vậy, nhưng cả EU và Nga đều đã lên những phương án dự phòng cho tình huống xấu nhất. Theo kế hoạch, trong ngày 1-6, đầu tiên là các ngoại trưởng, sau đó là bộ trưởng quốc phòng các nước NATO, thảo luận trực tuyến để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh NATO trong 2 tuần tới, với trọng tâm về các vấn đề chiến lược cơ bản, bao gồm cách ứng phó với Trung Quốc và Nga.

Tổng Thư ký Jens Stoltenberg bày tỏ hy vọng hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ phát triển một khái niệm chiến lược mới, bởi khái niệm hiện có từ năm 2010 không còn phù hợp với những thay đổi trong chính sách an ninh những năm gần đây.

Trong khi đó, cùng ngày, hãng tin Izvestia trích dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết Hạm đội Baltic sẽ được bổ sung 2 tàu tên lửa cỡ nhỏ (SMS) mới nhất, bao gồm tàu Burya thuộc đề án 22800 và tàu Grad thuộc đề án 21631.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, Moscow đã quyết định thành lập thêm gần 20 đơn vị và lực lượng mới ở Quân khu phía Tây trong bối cảnh NATO ngày càng gia tăng các hoạt động quân sự gần khu vực biên giới Nga.

Về kinh tế, nhà chức trách Nga cũng đang chuẩn bị các phương án cho trường hợp bị ngắt kết nối với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Ông Dmitry Birichevsky, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga, cho biết dù chưa đề cập đến vấn đề Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT, song Moscow đang chuẩn bị cho tình huống như vậy.

SWIFT là hệ thống liên ngân hàng quốc tế để chuyển thông tin và thực hiện thanh toán, với hơn 11.000 tổ chức lớn ở hầu hết các quốc gia được kết nối với nhau. Báo chí thường xuyên đưa tin Nga có thể bị loại khỏi hệ thống này như một trong những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của phương Tây.

Tuy nhiên, theo Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell, SWIFT là tổ chức tư nhân quốc tế, và theo nghĩa này, EU không có thẩm quyền loại Nga khỏi SWIFT. Để đối phó với rủi ro có thể bị ngắt kết nối với SWIFT, Nga đã lập ra hệ thống truyền thông tin tài chính của mình.

Theo thông tin mới nhất, hệ thống này có sự tham gia của 23 ngân hàng nước ngoài ở các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Đức và Thụy Sĩ.

Tin cùng chuyên mục