Nga dự định lắp đặt trạm vũ trụ mới

Theo kế hoạch, năm 2027, Nga có thể triển khai lắp đặt một trạm vũ trụ quốc gia mới trên quỹ đạo, song song với việc tiếp tục vận hành khoang tàu của Nga trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trong vòng 2 năm. 
Một mô hình thiết kế được cho là trạm vũ trụ mới của Nga
Một mô hình thiết kế được cho là trạm vũ trụ mới của Nga

Thông tin trên được Tổng công trình sư Tập đoàn tên lửa và vũ trụ (RSC) Energia, ông Vladimir Soloviev, tiết lộ.

Ông Soloviev cho biết thêm là tên lửa đẩy Angara đang được chế tạo. Nhờ loại tên lửa này, Nga có thể đưa các modul cho trạm vũ trụ mới lên quỹ đạo vào năm 2027. Các phi hành gia của nước này vẫn bay lên ISS cho đến năm 2028-2029 và cần ít nhất 2 năm để đóng khớp “mối nối” giữa việc hoàn thành sứ mệnh  ISS và bắt đầu hoạt động của trạm vũ trụ mới.

Modul đầu tiên được Angara đưa lên quỹ đạo sẽ là modul năng lượng - khoa học (SEM) - được phát triển và xây dựng từ năm 2012. Ban đầu, modul trên được dự kiến sản xuất vào năm 2015, giúp Nga đảm bảo tính độc lập về năng lượng cho khoang ISS của nước này - hiện đang được cấp điện từ khoang của Mỹ. Ngoài ra, modul trên còn dành để thực hiện công tác nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đến nay, việc đưa modul SEM vào vận hành liên tục bị trì hoãn.

Theo một số nguồn tin, trạm vũ trụ mới của Nga sẽ được thiết kế với kiến trúc mở và tuổi thọ không giới hạn nhờ việc thay thế các modul. Trạm sẽ có kích thước lớn hơn trạm Hòa bình (Mir), bay trên quỹ đạo ở độ cao 400km và góc nghiêng 98 độ; cho phép giám sát toàn bộ bề mặt Trái đất, trước hết là Bắc cực và tuyến đường biển phía Bắc.

Tin cùng chuyên mục