Nếu không có cách tiếp cận đúng Việt Nam có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng nếu không có cách tiếp cận đúng, bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp, có sự bất bình đẳng xã hội.

Sáng 13-7, tại Hà Nội diễn ra lễ khai mạc triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 và diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4”.

Đây là sự kiện do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức. Diễn đàn có sự tham dự và chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Nếu không có cách tiếp cận đúng Việt Nam có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khai mạc sự kiện. Ảnh: VGP News
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh việc khai thác đúng đắn và kịp thời những cơ hội của CMCN 4.0 là thách thức chung của các quốc gia và đối với một nước đang phát triển như Việt Nam thách thức đó càng lớn. CMCN mới một mặt mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững hơn và cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo… Tuy nhiên, nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng xã hội.

Chia sẻ về những cơ hội, thách thức trước khi khai mạc diễn đàn sáng nay, quán quân sáng tạo của UNDP – robot Sophia cho rằng Việt Nam đã đi đúng hướng trong khai thác internet vạn vật. Công nghệ giúp Việt Nam phát triển nhảy vọt liên quan đến năng suất, hoạt động kinh tế. Việt Nam cũng cần làm việc với các cơ quan tư nhân để mang lại lợi ích lớn hơn, dùng công nghệ AI (trí thông minh nhân tạo) để hỗ trợ vùng sâu xa, vùng dễ bị tổn thương, người nghèo trong xã hội.

Về thách thức, theo Sophia, con người cần được trang bị các kỹ năng cần thiết trong CMCN 4.0, nhất là những người nghèo. Với người trẻ, theo Sophia, họ cần có kỹ năng của thế kỷ XXI, sẵn sàng đối mặt với những thách thức của nền kinh tế mới, cần có sáng tạo công nghệ mới không ngừng. Thách thức và cơ hội cần phải được nhìn nhận rõ và Chính phủ cần có ưu tiên rõ ràng trong giáo dục, đào tạo.

Nếu không có cách tiếp cận đúng Việt Nam có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày sản phẩm của Tập đoàn Viettel. Ảnh: VGP News

Trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra phiên đối thoại về chính sách có chủ đề: “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 của Việt Nam” với sự tham gia của các diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam… cùng một số bộ trưởng liên quan của Việt Nam. Tại đây, dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu đưa ra thông điệp rõ ràng về công nghiệp 4.0 của Việt Nam trong thời gian tới.

Ngoài diễn đàn cấp cao, sẽ diễn ra 5 hội thảo chuyên đề liên quan đến cuộc CMCN 4.0 như: “Nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam”; “Xây dựng đô thị thông minh bền vững”; “Phát triển nền sản xuất thông minh: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ”; “Bước tiến mới trong ngành tài chính - ngân hàng”; “Tầm nhìn và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững”.

Tin cùng chuyên mục