Nét Việt đất Việt

Dòng tranh dân gian, nghệ thuật truyền thống, nét kiến trúc, mỹ thuật Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử được chọn lọc và giới thiệu lại, bạn trẻ cùng nhắc nhở nhau về một dòng chảy văn hóa, lịch sử suốt mấy ngàn năm văn hiến.
Poster giới thiệu nghệ thuật dân gian do “NÉT Project” thực hiện
Poster giới thiệu nghệ thuật dân gian do “NÉT Project” thực hiện

Tìm về dấu xưa

 Thành lập vào tháng 6-2021, fanpage “NÉT Project” thu hút hơn 8.300 lượt theo dõi và yêu thích từ bạn trẻ. Để thích ứng với tình hình giãn cách xã hội, 2 tháng qua, “NÉT” bắt đầu hoạt động bằng chuỗi bài viết giới thiệu các dòng tranh dân gian, truyền thống của Việt Nam và đặc trưng kiến trúc, mỹ thuật qua những triều đại lịch sử, thể hiện bằng song ngữ Việt - Anh.

Chia sẻ bài viết giới thiệu mỹ thuật thời nhà Trần về trang cá nhân, Đặng Thị Thanh Thủy (20 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cho biết: “Tôi học chuyên ngành quảng cáo và hiện tại tôi đăng ký thêm một khóa học về thiết kế đồ họa. Kiến thức mỹ thuật này rất hữu ích nên tôi chia sẻ lại. Để tìm hiểu, cần phải đọc nhiều sách và tham khảo nhiều nguồn tài liệu, cảm ơn các bạn đã có công tổng hợp lại, kiến thức này rất hay”.

“Tranh làng Sình là một dòng tranh dân gian Việt Nam thuộc về làng Sình, nằm ven bờ sông Hương, thôn Lại Ân, xã Phú Mậu, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nghề làm tranh tại đây là khoảng 450 năm, ngay từ khi xuất hiện, tranh làng Sình không chỉ phục vụ cho thú chơi tranh mà chủ yếu để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng”. Phía dưới bài viết giới thiệu tranh lành Sình này, Nguyễn Hoàng Trang (23 tuổi, ngụ quận 7) chia sẻ: “Ông bà ngoại tôi là người xứ Huế, nhưng tới khi đọc bài viết này, tôi mới biết đến tranh làng Sình. Những fanpage chia sẻ văn hóa như thế này làm mình thấy yêu thêm quê hương xứ sở, quê mình cũng có những dòng tranh hay và đẹp”.

Là sinh viên ngành mỹ thuật, quan tâm đến những bài viết giới thiệu các họa sĩ tên tuổi trong nước, Thùy Linh (20 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bày tỏ: “Tôi thích các bài viết giới thiệu về những họa sĩ tên tuổi từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bài viết khái quát được nhiều bút pháp, chất liệu của các họa sĩ tiền bối, rất đáng để mình tham khảo và học hỏi”.

Một tiếng nói Việt Nam

“NÉT Project” là 1 dự án được thành lập bởi các học sinh Việt Nam và hiện tại, NÉT đang tổ chức cuộc thi thiết kế/vẽ tranh “HỌA-2021”, với mục đích hướng đến việc kết nối các bạn trẻ sinh sống tại Việt Nam có niềm yêu thích với hội họa nói chung và thiết kế nói riêng.

Chia sẻ về việc thành lập NÉT, Trương Hoàng Anh Thư (người thành lập dự án, du học sinh Việt Nam tại Mỹ) nói: “Sau 2 năm học tập tại Mỹ, tôi mong muốn có thể đóng góp cho nền văn hóa đã nuôi lớn mình, gia đình cũng như ngôi trường đã giáo dục mình suốt 15 năm qua. Một lần tình cờ, tôi xem một bài viết có ý kiến không hay về các thể loại tranh truyền thống của Việt Nam, khiến tôi cảm thấy mình cần làm gì đó để có thể đem lại một cộng đồng tích cực, yêu thích, ủng hộ và sẵn sàng bảo tồn văn hóa Việt Nam. Từ đó dự án NÉT bắt đầu”.

NÉT khởi động với sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè và tiếp đến là thu hút hơn 80 bạn trẻ từ trong nước và các nhóm du học sinh. “Đa số các bạn theo dõi dự án đều đồng lứa tôi, vì thế có thể nói dự án đã phần nào hoàn thành được sứ mệnh kết nối các bạn trẻ. Lâu lâu, tôi cũng được nhận phản hồi tích cực qua phần bình luận của các bạn, và điều đó đối với chúng tôi chính là động lực để tiếp thêm cho ngọn lửa nhiệt huyết với văn hóa nghệ thuật truyền thống, mỹ thuật Việt Nam”, Anh Thư kể thêm.

Câu chuyện mang văn hóa Việt bước ra thế giới có lẽ cần nhiều thời gian. Bằng những nỗ lực của người trẻ trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống qua góc nhìn và lăng kính hiện đại của thế hệ gene Y, gene Z…, niềm tin về một bản sắc Việt vươn tầm có lẽ là điều không xa.

Học tập và giao lưu cùng cộng đồng sinh viên quốc tế, một tiếng nói Việt Nam, thói quen và cốt cách Việt vẫn được Trương Hoàng Anh Thư duy trì và lan tỏa qua dự án NÉT.

Anh Thư bày tỏ: “Thời gian đầu khi được trải nghiệm văn hóa phương Tây, những bài viết, video trên mạng xã hội về quê hương Việt Nam đã khiến tôi nhớ đến một điều mà mình sẽ không bao giờ thay đổi hay có thể khiến cho nó biến mất - mình là một người Việt Nam. Đi theo các xu hướng mới đem lại cho mình cảm giác mới mẻ và hào hứng, nhưng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ quên rằng chính những thói quen rất “Việt Nam” của mình đã khiến mình trở nên đặc biệt. Vì thế, việc tích cực quảng bá nền văn hóa nghệ thuật cổ điển của quê hương chính là lời cảm ơn tôi muốn gửi gắm đến gia đình, nhà trường cũng như nền văn hóa đã nuôi dưỡng tôi lớn lên qua những câu từ, các dấu chấm, phẩy”.

Tin cùng chuyên mục