Nét mới bến Bạch Đằng


Từ một công viên buồn tẻ, đơn điệu, thậm chí có thời gian xuống cấp, nay người dân và du khách đến đây đã cảm nhận được bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM) đang đổi thay từng ngày. 
Hành khách lên chuyến tàu cao tốc du lịch tại bến Bạch Đằng
Hành khách lên chuyến tàu cao tốc du lịch tại bến Bạch Đằng

Diện mạo mới

Ghé thăm bến Bạch Đằng hay chỉ đi ngang tuyến đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ phía cầu Khánh Hội gần bến Nhà Rồng cho đến khu vực cảng Ba Son, sẽ thấy diện mạo mới của hàng loạt công trình phía bờ sông Sài Gòn. Từ tháng 4-2015, UBND TPHCM đã dừng hoạt động các tàu cánh ngầm, ca nô du lịch, tàu nhà hàng... tại bến Bạch Đằng để phục vụ việc cải tạo, chỉnh trang, nên khu vực này tuy là một công viên có vị trí đẹp nhưng lại vắng người lui tới.

Ông Trần Văn Tuấn (58 tuổi, ngụ quận 1) kể: “Bến Bạch Đằng xưa là nơi mỗi chiều tôi ra hóng mát, đây cũng nơi hẹn hò của các đôi tình nhân, họ ra đây vừa tâm sự vừa ngắm dòng sông êm đềm trôi. Du khách đến TPHCM nhất định phải ghé chỗ này. Vậy mà, rồi có thời gian dài người ta ít lui tới nơi đây, nên công viên đìu hiu. Tôi cũng không ra đây hóng mát, tập thể dục, vì thấy một số thanh niên nghiện hút cứ lượn lờ trong công viên, ngồi ở mấy ghế đá ngáp khi tới cơn nghiện, làm tôi rợn người. Mới đây, nghe con trai nói bến Bạch Đằng nay đẹp lắm rồi, nên tôi ra xem sao. Thật không ngờ và thật vui khi bây giờ bến đã đẹp như vầy. Ga tàu thủy, ga tàu cao tốc Bạch Đằng hiện đại; quán cà phê thiết kế đẹp. Có nhiều ghế đá mới, cây lá hoa cỏ trong khuôn viên được xây bồn, chăm sóc kỹ lưỡng. Có tủ bán nước tự động, trạm xe buýt hiện đại, các bãi giữ xe cũng được bố trí thích hợp. Nhà vệ sinh công cộng cũng khang trang”.

Anh Lê Ngọc Danh (39 tuổi, chạy xe ôm, hay đợi khách ở khu vực bến Bạch Đằng) cũng hồ hởi nhận xét: “Bến Bạch Đằng bây giờ đẹp quá và cũng bớt cảnh mua bán hàng rong rồi. Hồi trước, tui thấy du khách, nhất là khách nước ngoài, ghé vào công viên không dám ở lại lâu, vì bị người bán hàng rong chèo kéo, bu bám dữ quá. Nay cũng còn vài chỗ hàng rong bán nước giải khát, nhưng không chèo kéo như trước nữa. Nhân viên bảo vệ cũng nhắc nhở nhiều nên bớt lắm rồi đó”. 

Nét chấm phá thúc đẩy du lịch 

Bến Bạch Đằng gồm bến cảng và công viên Bạch Đằng, là một trong những địa điểm có vị trí đắc địa nhất của TPHCM khi nằm ngay trục đường lớn Tôn Đức Thắng, đối diện với hàng loạt khách sạn nổi tiếng như Majestic Saigon, Liberty Central Saigon Riverside, Renaissance Riverside Hotel Saigon, The Reverie Saigon… Bên cạnh đó là phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bến Nhà Rồng và trụ sở thương cảng của thành phố, trở thành chuỗi liên kết, tạo điểm nhấn du lịch cho khu vực này. 

Vừa qua, UBND TPHCM đã đồng ý tổ chức khai thác du lịch đường sông nội ô kết hợp phục vụ ẩm thực về đêm tại bến Bạch Đằng. Theo đó, các tàu nhà hàng, ca nô du lịch như tàu Elisa, thuyền buồm Đông Dương sẽ được đón trả khách trên bến Bạch Đằng vào buổi tối trong thời gian tới. Công tác đảm bảo mỹ quan đô thị trong quá trình khai thác phố đêm ẩm thực, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông đường bộ - đường thủy… được UBND TP giao các đơn vị liên quan thực hiện. Các tuyến đường, các giao lộ xung quanh cũng được nghiên cứu thiết kế, tổ chức kết nối để bến Bạch Đằng thành đầu mối giao thông các tuyến buýt sông cùng các tuyến giao thông công cộng khác.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch dã ngoại Lửa Việt, nhận xét: “TPHCM có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch đường sông, nếu khai thác bến Bạch Đằng hợp lý, sẽ góp phần thúc đẩy du lịch. Việc khai thác du lịch đường sông nội ô kết hợp phục vụ ẩm thực về đêm tại bến Bạch Đằng đáng ủng hộ, và quan trọng là cách làm, quy hoạch cụ thể, tạo ra được sản phẩm du lịch phù hợp”. 

Với nhiều công trình, cảnh quan đặc biệt được xây dựng và các hoạt động thương mại, dịch vụ về đường thủy được tích cực triển khai, đã góp phần tạo nên một tổ hợp hiện đại tại bến Bạch Đằng. Đây sẽ là một điểm dừng chân, ngắm cảnh, thưởng thức ẩm thực lý tưởng khi du khách đến TPHCM - là một nét đẹp riêng, chấm phá cho bức tranh du lịch của thành phố.

Tin cùng chuyên mục